Nhà thơ Hà Kim Quy và tập thơ 'Nắng dắt mùa đi'

Nhà thơ Hà Kim Quy.
“Hà Kim Quy viết nhiều về tình yêu, tình yêu lứa đôi, tình yêu giữa những người ruột thịt, tình yêu quê hương đất nước… Đọc thơ Hà Kim Quy chỗ nào cũng bắt gặp những câu rất gợi, rất thích… đã thấy bút pháp vững vàng, câu chữ trăn trở chọn lọc…”. Đó là những lời giới thiệu của nhà văn-nhà thơ Hà Phạm Phú, nguyên là Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam về tập thơ đầu tay “Nắng dắt mùa đi” của nhà thơ Hà Kim Quy.
Nhà thơ Hà Kim Quy (tên thật là Hà Vân Cúc) sinh năm 1969 tại thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ (nay là phường Mỹ Lộc, tỉnh Ninh Bình), từng có 36 năm công tác trong ngành giáo dục, quản lý chuyên môn. Ngay từ khi còn nhỏ chị đã thích được viết, làm thơ. Nhưng phải đến cái tuổi bên kia dốc của cuộc đời, chị mới có tuyển tập thơ của riêng mình.
Chị chia sẻ: “Tình yêu đối với văn chương có từ lâu rồi nhưng đến tuổi 50 mới bắt đầu viết những bài “gọi là thơ” đầu tiên. Thơ đến với tôi như một lẽ tự nhiên. Mỗi ngày tôi gom nhặt những nỗi niềm, những suy tư, trăn trở cùng với ký ức, buồn vui và chắp lại thành thơ”. Bên cạnh đó, chị còn dành thời gian sáng tác tản văn, truyện ngắn. Đến nay, nhà thơ Hà Kim Quy có một tập thơ in riêng có tựa “Nắng dắt mùa đi”; hơn 20 tác phẩm thơ, tản văn, truyện ngắn in chung cùng các nhà văn, nhà thơ.
Thơ của chị được đăng trên Báo Văn nghệ, Báo Giáo dục thời đại, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí văn nghệ của Hội Văn họcNghệ thuật một số tỉnh, thành phố… Nhà thơ Hà Kim Quy từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sống đẹp do Báo Thanh niên tổ chức năm 2022; đoạt giải C cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa năm 2023.
Chị là hội viên Hội Văn họcNghệ thuật tỉnh Nam Định (nay là Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình) từ năm 2023. Tập thơ “Nắng dắt mùa đi” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 5/2022. Tập thơ gồm 45 bài thơ xoay quanh các chủ đề: tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, cảnh đẹp những nơi nhà thơ từng đi qua,…
Theo nhà văn, nhà thơ Hà Phạm Phú: “Ai làm thơ mà chẳng xoay quanh đề tài tình yêu, nhưng dấu vết địa lý trong thơ tình yêu của mỗi người mỗi khác”. “Em vẫn biết mùa thu không mãi mãi/ Phía sau anh bao rét buốt đông về…”. Hai câu thơ ám ảnh người đọc vì sự hữu hạn, không lặp lại của thời gian đời người. Mùa thu, như lối phân chia của lịch, chỉ có 3 tháng là đến mùa đông, năm sau thì đã mùa thu khác, nó chưa đến và ta không biết nó sẽ như thế nào. Nhưng đã duyên thì: “... cứ yêu những mùa mùa lá rụng/ Những heo may nhỏ xuống bên đời” (Mùa anh). Thế nghĩa là chấp nhận sự hữu hạn của số phận, của kiếp người. Nhưng trớ trêu thay, dù có hết mình cũng đâu có thể được trọn vẹn, tròn đầy. “Những hạt mưa-mũi tên của trời/ Mặt sông bị bắn vụn vỡ ra thành vạn vòng tròn tan nát/ những khổ đau, lầm lạc…” (Mũi tên). Hay nhiều khi chỉ vì sự lệch pha trong ý nghĩ và tình cảm. “Em thả nỗi buồn bay lên thành ngôi sao xa xôi/ anh cứ mải mê tìm kiếm hoài nỗi buồn em trên cát” (Lệ biển). Nhưng khi đã gặp nhau thì đó là sự an ủi to lớn. “Chỉ còn lại một ngày/ Như ngàn năm đã hẹn/ Có một ngày/ Mây, núi ở trong nhau” (Thơ tình của núi). Nhưng để có một ngày như thế, nhà thơ Hà Kim Quy đã khắc họa lại những khó khăn, giày vò, nỗi chờ mong khắc khoải mà người phụ nữ phải vượt qua. “Có một ngày tháng Mười/ Em phơi tình ta lên cánh đồng hanh hao/ Có người đến và mang màu vàng đi mất/ Chỉ còn gốc rạ với vết chân lõm khô, nứt nẻ/ Chim sẻ thay bà cặm cụi mót lúa đồng xa/ Chỉ còn tiếng ri ri trong bản nhạc chiều tà” (Tháng Mười). Hay “Mỗi lần nhớ anh/ Em trồng thêm một cây trong vườn/ Nỗi nhớ lên xanh” (Điều gì ở lại). Vượt qua muôn trùng khó khăn, chờ đợi đằng đẵng mới có một ngày, chỉ có người kiên trì lòng yêu mới gặp được: “Đêm nay quỳnh nở/ Trong khu vườn mùa đông…/ … Có phải em là kỳ nữ/ Thơm một lần cho tri âm?” (Đêm quỳnh hương).
Bên cạnh chủ đề tình yêu đôi lứa, những bài thơ về một thời chăn trâu cắt cỏ, hồn nhiên, ngây thơ cũng được nhà thơ Hà Kim Quy gói gọn trong những vần thơ của mình. Đó có thể là những kỷ niệm về bà: “Bà đi mót lúa đồng xưa/ Thóc vương thì ít, nắng mưa thì nhiều/ Đồng xa vẳng tiếng sáo diều/ Bóng bà đổ xuống liêu xiêu nắng vàng/ Cháu ra đón đợi đầu làng/ Bếp nhà ai khói quẩn ngang, cay nồng/ Nón mê đội cả bão giông/ Áo bà ướt bọc khô cong hạt vàng” (Bà). Ở đó còn là những cảm xúc của nhà thơ mỗi khi trở về quê hương: “Con về làng một ngày mưa/ Mái đình vẫn đó như vừa rêu phong/ Cây đa đứng ngắm cánh đồng/ Rễ dang tay mọc ôm vòng quanh thân/ Con đi tìm lại dấu chân/ In bao kỷ niệm trong ngần tuổi thơ/ Thấy ngọn đa vẫn non tơ... (Về làng). Xen kẽ còn là những vần thơ khắc họa hình ảnh nơi mà tác giả đặt chân đến: “Chuông chùa thong thả rơi từng nhịp/ Mà nghiêng ngói phủ lớp rêu dầy/ Từng bậc đá mòn lên chùa Thượng/ Hoa thơm vấn vít bước người đi…” (Thăm chùa Bích Động). Rồi tác giả còn “Ngược dốc đèo em về Khau Vai/ Chân bước dồn/ Tim rung nhịp hát/ Váy xòe hoa/ Khèn thổi dặt dìu…” (Khau vai).
Những câu thơ của nhà thơ Hà Kim Quy trong “Nắng dắt mùa đi” mang một vẻ đẹp dịu dàng và đậm chất nữ tính. Thơ chị như một dòng suối nhỏ, chảy nhẹ qua miền ký ức, thấm đẫm yêu thương và rung cảm. Mỗi bài thơ như những bản nhạc thánh thót, như những bức tranh dịu dàng về con người, về mưa nắng vạn vật xung quanh ta. Với lối viết tinh tế, giàu nhạc tính, nhà thơ đưa người đọc đến với những cung bậc cảm xúc rất đời thường nhưng sâu lắng: nỗi buồn nhẹ tênh, niềm vui kín đáo và sự khát khao yêu thương âm thầm mà mãnh liệt; đưa người đọc đi qua những mùa yêu thương, bằng ánh nắng rất riêng, thứ nắng “dắt mùa đi” trong lặng lẽ mà đẹp đến nao lòng.