'Nhà tạm lánh' cho phụ nữ bị bạo hành
Bạo lực gia đình luôn là yếu tố chính ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và gây nhiều hệ lụy cho xã hội, Hội LHPN xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập triển khai mô hình 'nhà tạm lánh' nhằm giúp đỡ các chị em phụ nữ, trẻ em bị đánh đập, bạo lực gia đình.
Xã Phúc Khánh có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 87%. Do có xuất phát điểm thấp lại là địa bàn có đông đồng bào dân tộc, trình độ dân trí hạn chế, tập quán lạc hậu nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình trước khi thành lập mô hình “Nhà tạm lánh” thường xuyên xảy ra. Năm 2023, Mô hình “Nhà tạm lánh” được thành lập gồm 10 thành viên trong Ban quản lý. Các thành viên là cán bộ công chức chuyên môn ngành tư pháp, y tế, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó trưởng Công an xã làm Phó ban, Chủ tịch Hội LHPN xã làm Phó trưởng ban Thường trực.
“Nhà tạm lánh” được xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương, đặt địa điểm tại trụ sở Công an xã. Nhà có phòng ăn, phòng ngủ để cho người yếu thế khi bị bạo hành, bị đối xử bất bình đẳng lưu trú. Các trang bị, vật dụng thiết yếu như tủ, giường, chiếu, chăn màn, thuốc men từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Ban điều hành Dự án 8 huyện Yên Lập hỗ trợ... đảm bảo cho sinh hoạt của nạn nhân khi đến tạm lánh.
Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều xảy ra khi cả đôi bên nóng giận mất kiểm soát. Một số vụ do đàn ông gia trưởng, không hài lòng trong cuộc sống đã ra tay “dạy” vợ. Hội LHPN xã đã nhiều lần đến tận nhà của nạn nhân để hòa giải, tuyên truyền pháp luật, khuyên bảo để đôi bên nhìn lại cách cư xử trong cuộc sống gia đình.
Từ khi thành lập mô hình đến nay số vụ việc bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn đã giảm. Tính từ năm 2023 đến thời điểm tháng 8/2024 có 3 vụ việc bạo lực gia đình thì 2 vụ việc ở mức độ nhẹ. Hội LHPN xã đã phối hợp với công an xã và tổ hòa giải ở khu dân cư tuyên truyền hòa giải, có biên bản cam kết của người chồng.
Cùng với việc thành lập mô hình, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp khu dân cư, các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể. Các nội dung truyền thông chủ yếu về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, luật hôn nhân và gia đình...
Chị Đinh Thị Hiếu - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Khánh cho biết: “Khi bắt đầu đi vào hoạt động, việc khó khăn nhất là nhiều phụ nữ còn “giấu chuyện” khi bị bạo hành. Chị em không dám “cầu cứu” đến “Nhà tạm lánh” sợ ảnh hưởng đến gia đình, con cái, dư luận xã hội chê cười “xấu chàng thì hổ ai”. Nhiều phụ nữ bị bạo lực nhiều lần nhưng vẫn âm thầm chịu đựng không báo lên khu, xã cho đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới nhờ đến chính quyền can thiệp. Qua các buổi truyền thông chị em đã hiểu rõ hơn về quyền của mình. Đồng thời nam giới cũng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình, những việc làm vi phạm luật hôn nhân gia đình, vi phạm pháp luật. Hiện nay có nhiều nam giới đã tham gia các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới".
Để mô hình “Nhà tạm lánh” thực hiện hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền và sự vào cuộc của mỗi gia đình, nhà trường, chính quyền các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể ở địa phương khi phát hiện các vụ việc mâu thuẫn gia đình sớm để có biện pháp ngăn chặn, tư vấn, hòa giải kịp thời ngay từ cơ sở. Thông qua mô hình “Nhà tạm lánh” sẽ giúp chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, thu hút sự tham gia của nhiều người dân, cũng như góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình và hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn.