Nhà sáng lập TSMC mời CEO Nvidia nắm giữ vị trí cao nhất nhưng bị từ chối

Nhà sáng lập TSMC - Morris Chang (Trương Trung Mưu) từng mời Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) làm giám đốc điều hành gã khổng lồ chip Đài Loan này hơn một thập kỷ trước, nhưng bị từ chối chỉ sau 10 phút.

Morris Chang (năm nay 93 tuổi) chia sẻ điều này trong tập hồi ký mới nhất của mình, kể lại cuộc đời ông từ năm 1964 đến 2018.

Jensen Huang (năm nay 61 tuổi) là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia – hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) số 1 thế giới.

Tập thứ hai trong cuốn hồi ký của Morris Chang kể về 25 năm làm việc tại hãng Texas Instruments (Mỹ) và quá trình thành lập TSMC (Đài Loan) vào năm 1987, sau tập đầu tiên, về cuộc sống thời thơ ấu của ông, được xuất bản năm 1998. TSMC hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Tập thứ hai kể lại một số giao dịch của TSMC với các khách hàng lớn như Apple và Qualcomm, cũng như việc Intel từ chối lời mời đầu tư vào TSMC những năm 1980 trước khi trở thành một khách hàng quan trọng.

Morris Chang còn mô tả tình bạn kéo dài hơn hai thập kỷ của mình với Jensen Huang, người biến Nvidia (có trụ sở tại bang California, Mỹ) thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới khi sự quan tâm đến AI tăng vọt.

Hai người đàn ông này thường xuyên khen ngợi nhau trước công chúng nhiều năm qua, với việc Jensen Huang ghi nhận công lao của Morris Chang trong việc Nvidia thành công như ngày nay.

Trong cuốn sách, Morris Chang cho biết khi tìm kiếm người kế nhiệm vào năm 2013, ông coi Jensen Huang là ứng cử viên lý tưởng vì phẩm chất, kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức về ngành bán dẫn.

"Tôi đã dành khoảng 10 phút để giải thích ngắn gọn về kỳ vọng sâu sắc của mình với TSMC", Morris Chang nhớ lại. Ông cho biết Jensen Huang đã kiên nhẫn lắng nghe nhưng trả lời: "Tôi đã có công việc rồi".

Vài tuần sau, Morris Chang thử thuyết phục lần nữa, nhưng Jensen Huang vẫn kiên quyết từ chối.

"Câu trả lời của Jensen Huang với tôi rất chân thành: 'Tôi đã có việc rồi!' Công việc đó đã đưa Nvidia lên vị trí như ngày nay, sau 11 năm", Morris Chang viết.

Nvidia không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về cuốn sách của Morris Chang.

Morris Chang nói thêm rằng khi Jensen Huang đang lựa chọn đối tác sản xuất chip cho Nvidia, ông sẵn sàng đặt cược mọi thứ vào TSMC.

Về phần mình, TSMC đã cử hai nhân viên sản xuất đến giúp Nvidia vào năm 1998 khi công ty mới nổi này đang thiếu nhân sự.

Morris Chang cũng kể rằng ông đã tiếp cận Gordon Moore, khi đó là Giám đốc điều hành Intel, khi huy động vốn cho TSMC vào những năm 1980.

Intel không đầu tư, nhưng sau đó đã trở thành một trong những khách hàng của TSMC, ký hợp đồng sản xuất chip laptop mới nhất.

Morris Chang cho biết Pat Gelsigner (Giám đốc điều hành Intel hiện tại) đã đặt mục tiêu biến Intel thành một công ty sản xuất chip theo hợp đồng từ năm 2021.

Dù chúc nỗ lực này thành công, Morris Chang nói mô hình kinh doanh lâu đời của Intel, tập trung vào sản xuất chip nội bộ, có thể khiến việc này trở nên khó khăn. Lý do vì các nhà sản xuất hợp đồng chế tạo chip do công ty khác thiết kế. Ví dụ, TSMC sản xuất chip do Apple và Nvidia thiết kế.

Intel không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chuyện này.

Cuốn hồi ký mới phát hành của ông Morris Chang tại một hiệu sách ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 29.11 - Ảnh: Reuters

Cuốn hồi ký mới phát hành của ông Morris Chang tại một hiệu sách ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 29.11 - Ảnh: Reuters

Jensen Huang từ chối lời mời của Morris Chang làm Giám đốc điều hành TSMC hơn một thập kỷ trước - Ảnh: Reuters

Jensen Huang từ chối lời mời của Morris Chang làm Giám đốc điều hành TSMC hơn một thập kỷ trước - Ảnh: Reuters

CEO TSMC nói chip AI Nvidia quá đắt và muốn tăng giá sản xuất

Nvidia kiếm được bộn tiền nhờ bán chip AI tiên tiến cho nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ. Gần đây, nhà cung cấp chính của Nvidia là TSMC định tính giá sản xuất chip cao hơn cho họ.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào bùng nổ AI biến Nvidia thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới và gia tăng tài sản ròng cho Giám đốc điều hành Jensen Huang lên 118 tỉ USD. TSMC dường như muốn tận dụng sự cường điệu về AI này.

"Tôi đã phàn nàn với Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang rằng các sản phẩm của ông ấy quá đắt", C.C. Wei (Giám đốc điều hành TSMC) cho biết, theo trang Nikkei.

C.C. Wei (Ngụy Triết Gia) nói thêm rằng các sản phẩm Nvidia "chắc chắn rất có giá trị" nhưng ông đang nghĩ đến việc "thể hiện giá trị của chúng tôi".

Bình luận của C.C. Wei đã làm dấy lên suy đoán rằng TSMC đang cân nhắc tăng giá. Theo một số ước tính, TSMC sản xuất 90% chip xử lý tiên tiến nhất thế giới.

TSMC đã cố gắng giảm bớt suy đoán của thị trường vào tuần trước, nói với các phương tiện truyền thông Đài Loan rằng giá cả của công ty luôn "theo định hướng chiến lược hơn là theo cơ hội".

Hồi tháng 4, một nhà phân tích đã hỏi liệu TSMC có đang gặt hái những lợi ích từ sự bùng nổ của AI và cách C.C. Wei suy nghĩ về giá cả.

"Chúng tôi vui mừng vì khách hàng của mình đang phát triển tốt. Nếu khách hàng làm tốt thì TSMC cũng phát triển tốt", C.C. Wei trả lời.

Jensen Huang dường như không bận tâm đến việc TSMC tăng giá sản xuất chip. Ông nói với các phóng viên ở Đài Loan rằng đóng góp của TSMC cho ngành là "thực sự tuyệt vời".

"Tôi nghĩ nâng giá là phù hợp với giá trị mà TSMC mang lại. Vì vậy, tôi rất vui khi thấy họ thành công", tỷ phú 61 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan nói.

Lợi nhuận quý 3/2024 của TSMC tăng vượt dự báo

TSMC đặt cược vào việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ sau khi báo cáo lợi nhuận quý 3/2024 tăng 54%, nhờ nhu cầu tăng vọt với chip AI.

TSMC là nhà sản xuất các chip tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng AI, với khách hàng có cả Apple và Nvidia. Tương tự Nvidia, tập đoàn Đài Loan này đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ AI trong nhiều ngành công nghiệp.

TSMC ước tính chi tiêu vốn của mình trong quý 4/2024 sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 11,5 tỉ USD và ngân sách có khả năng sẽ tăng thêm vào năm tới, vì hãng kỳ vọng nhu cầu ổn định với các sản phẩm của mình.

Công ty cho biết doanh thu cả năm 2024 sẽ tăng gần 30% theo giá trị USD, so với dự báo trước đó là chỉ hơn 20% một chút.

TSMC thông báo doanh thu từ bộ xử lý AI sẽ chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 15% tổng doanh thu của công ty trong năm 2024.

"Nhu cầu là có thật", C.C. Wei, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TSMC, nhấn mạnh trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024, ám chỉ đến AI và nói thêm rằng nó sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Lợi nhuận quý 3/2024 của TSMC tăng vượt dự báo

Hiệu suất và triển vọng mạnh mẽ của TSMC nhấn mạnh nhu cầu về AI vẫn rất cao.

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024, TSMC cho biết dự kiến chi tiêu vốn cho năm 2024 sẽ cao hơn một chút so với mức dự báo trước đó là từ 30 tỉ USD đến 32 tỉ USD, khi công ty chạy đua mở rộng sản xuất. TSMC nói chi tiêu vốn năm 2025 có khả năng cao hơn 2024 nhưng không cung cấp con số cụ thể.

Công ty cho biết năm 2025 có vẻ sẽ "khả quan" và dự báo triển vọng tương tự trong 5 năm tới.

Ngoài ra, TSMC dự kiến doanh thu quý 4/2024 đạt 26,1 tỉ USD - 26,9 tỉ USD, tăng so với mức 19,62 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2023.

Piter Yang, nhà quản lý quỹ của hãng Fuh Hwa Securities Investment Trust, nói kết quả kinh doanh của TSMC đã đập tan những lo ngại về ngành chip do báo cáo của ASML.

"TSMC là công ty thống lĩnh. Đây là công ty duy nhất có công nghệ xử lý tiên tiến mà các hãng như Intel hay Samsung Electronics không có được", Piter Yang nhận định.

TSMC đang chi hàng chục tỉ USD để xây dựng các nhà máy mới ở nước ngoài, gồm cả 65 tỉ USD cho ba nhà máy tại bang Arizona (Mỹ), dù công ty tuyên bố rằng hầu hết hoạt động sản xuất sẽ vẫn diễn ra ở Đài Loan.

TSMC hy vọng nhà máy đầu tiên và thứ hai của mình tại Arizona sẽ tuần tự bắt đầu sản xuất chip tiên tiến hàng loạt vào năm 2025 và 2028. Công ty dự báo nhà máy thứ ba của mình tại Arizona sẽ bắt đầu sản xuất chip hàng loạt cuối thập kỷ này.

TSMC đã báo cáo lợi nhuận ròng là 325,3 tỉ Tân Đài tệ (10,11 tỉ USD) trong quý 3/2024, mức cao nhất trong một quý, so với mức 300,2 tỉ Tân Đài tệ được dự đoán bởi 22 nhà phân tích, theo LSEG SmartEstimate.

LSEG SmartEstimate là công cụ được sử dụng để dự đoán kết quả tài chính của các công ty. Nó tổng hợp và phân tích các dự báo của nhiều nhà phân tích khác nhau, sau đó đưa ra ước tính cuối cùng được cho là chính xác hơn so với các dự báo riêng lẻ.

TSMC, hãng niêm yết công khai có giá trị nhất châu Á, thông báo doanh thu quý 3/2024 tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 23,5 tỉ USD, tốt hơn so với dự báo trước đó của công ty là 22,4 tỉ USD đến 23,2 tỉ USD.

Ngoài ra, TSMC cho biết chi tiêu vốn trong quý 3/2024 là 6,4 tỉ USD, so với 6,36 tỉ USD ở quý 2.

"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong quý 3/2024 được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ với công nghệ sản xuất chip 3 nanomet và 5 nanomet hàng đầu ngành công nghiệp liên quan đến smartphone và AI. Chuyển sang quý 4/2024, chúng tôi dự kiến hoạt động kinh doanh của mình sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ với các công nghệ quy trình tiên tiến của mình", Wendell Huang, Giám đốc tài chính TSMC, tiết lộ.

Nửa cuối năm theo truyền thống là mùa cao điểm với các hãng công nghệ Đài Loan khi họ chạy đua để cung cấp cho khách hàng trước kỳ nghỉ lễ cuối năm tại các thị trường lớn ở phương Tây.

Sự bùng nổ của AI giúp thúc đẩy cổ phiếu TSMC, với cổ phiếu niêm yết tại Đài Bắc tăng vọt trong năm 2024.

Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đài Loan, TSMC đang phải đối mặt với ít sự cạnh tranh dù cả Intel và Samsung Electronics đều đang cố gắng thách thức sự thống trị của họ.

Samsung Electronics cho biết sẽ tập trung sản xuất chip nhớ băng thông cao (HBM) để cải thiện lợi nhuận. Việc này diễn ra sau báo cáo lợi nhuận từ mảng chip của Samsung Electronics trong quý 3/2024 giảm 40% so với quý 2/2024, trong khi đối thủ TSMC và SK Hynix đạt được lợi nhuận kỷ lục nhờ bùng nổ AI.

Mảng chip của Samsung Electronics đã chuyển từ lỗ 3.800 tỉ trong quý 3/2023 sang đạt lợi nhuận 3.900 trong quý 3, nhưng vẫn giảm so với mức 6.450 tỉ won ở quý 2/2024. Samsung Electronics cho biết lợi nhuận từ mảng chip bị ảnh hưởng bởi các chi phí một lần như việc cấp thưởng cho nhân viên và tác động từ biến động tỷ giá do đồng USD suy yếu.

AI là điểm sáng hiếm hoi trong thị trường chip ảm đạm, nhưng Samsung Electronics đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chip nhớ cao cấp được sử dụng trong các chipset AI của Nvidia. Điều này khiến Samsung Electronics bị ảnh hưởng nặng nề, bởi nhu cầu không mấy khả quan với các chip truyền thống dùng cho PC và smartphone.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-sang-lap-tsmc-moi-ceo-nvidia-nam-giu-vi-tri-cao-nhat-nhung-bi-tu-choi-226571.html
Zalo