Nhà ở vừa túi tiền vẫn là 'khoảng trống' lớn tại TPHCM
Báo cáo thị trường bất động sản nửa đầu năm 2025 của Savills mới công bố cho thấy, TPHCM tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Cụ thể, theo thống kê từ Savills, TPHCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 235.000 căn nhà mới trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện được 24%, tương ứng thiếu hụt 179.000 căn.
Trước đó, trong quý I/2025, TPHCM ghi nhận 800 căn hộ mới được mở bán, giảm tới 70% so với quý trước, với phân khúc nhà ở hạng C (dưới 50 triệu đồng/m2) chỉ chiếm 13% tổng nguồn cung.
Dự báo về nguồn cung trong thời gian tới, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M, Savills Việt Nam cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 8.000 căn hộ mới được mở bán tại TPHCM trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung vẫn tập trung ở phân khúc trung cấp, tức là căn hộ hạng B. Điều này cho thấy nhà ở tại thành phố chủ yếu hướng vào phân khúc trung, cao cấp; nhà ở vừa túi tiền tiếp tục thiếu.

TPHCM đang thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà vừa túi tiền. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế
“Yếu tố pháp lý lớn nhất đang cản trở việc phát triển nguồn cung nhà ở là các thủ tục phê duyệt dự án kéo dài và vướng mắc trong triển khai các dự án hiện hữu. Trong vòng 6-12 tháng tới, cần ưu tiên xử lý các vướng mắc trong xác định chi phí sử dụng đất và thủ tục phê duyệt quy hoạch, để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Giang nêu giải pháp.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội mới đây, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM) thừa nhận, giá nhà ở tại TPHCM cao so với vùng và cả nước. Phân khúc nhà ở đa phần là nhà cao cấp. Thành phố hiện không có nhà ở thương mại bình dân và nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp, dẫn đến việc người dân khó tiếp cận và sở hữu được nhà ở.
Các khó khăn mà chủ đầu tư dự án đang gặp phải bao gồm: vướng mắc pháp lý trong đầu tư xây dựng (liên quan đến quy hoạch, đất đai, tín dụng...); khủng hoảng kinh tế; tái cấu trúc doanh nghiệp; áp lực cạnh tranh; thiếu vốn...
Để góp phần kiểm soát và điều chỉnh giá nhà tại TPHCM, theo ông Dũng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Thứ nhất, tăng nguồn cung nhà ở phù hợp nhu cầu thực. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân được xem là giải pháp cốt lõi. Thành phố cần ưu tiên quỹ đất, chính sách ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở thương mại giá thấp.
Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng nguồn cung nhà ra thị trường, giảm áp lực lên giá bất động sản. Thành phố rà soát và có biện pháp xử lý các dự án “treo”, hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó, thúc đẩy xây dựng dự án để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực và tạo thêm nguồn cung nhà.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và minh bạch thông tin. TPHCM đã có quy hoạch chung thành phố, do đó, cần tăng cường tập trung giải quyết thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản...
Sở Xây dựng cũng đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư dự án, thực hiện cung cấp thông tin về quy hoạch, dự án để người mua có cái nhìn khách quan, tránh bị tác động bởi thông tin sai lệch, gây sốt ảo.
Ngoài ra, người mua có thể liên hệ UBND xã, phường, đặc khu nơi dự án tọa lạc để tìm hiểu về thông tin dự án, tránh tình trạng bị nâng giá, thổi giá... Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi thổi giá, tạo sóng ảo và làm nhiễu loạn thị trường.
“Nhà đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp cần được cung cấp các gói tín dụng ưu tiên. Cùng với đó, người dân có thu nhập trung bình và thấp muốn mua nhà ở xã hội hoặc ở nhà ở thương mại giá bình dân cũng cần được bố trí các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp”, ông Dũng nói.