Nhà ở lực lượng vũ trang nằm trong chính sách phát triển nhà ở xã hội của các địa phương
Chiều 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 'Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội' với đa số đại biểu tán thành (419/422 đại biểu biểu quyết tán thành).
Trước đó, ngày 28/10, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (Báo cáo giám sát) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” (dự thảo Nghị quyết).
Trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp
Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu rõ, trong năm 2023 - 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ đang xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật khác có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn, đầu tư, quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy, địa chất và khoáng sản, công chứng… Nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, nhiều kiến nghị đã được nghiên cứu tiếp thu để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành và dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển NOXH đã được nhận diện, được điều chỉnh tại các luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã ban hành, những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ và có giải pháp đồng bộ, cụ thể.
Qua đó, khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển NOXH đã nêu tại Báo cáo số 681/BC-ĐGS của Đoàn giám sát, hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, giao Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015 - 2023 và các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai quy định mới, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là các quy định chuyển tiếp, bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng đất và các nguồn lực khác công bằng, công khai, hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết. Từ đó, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng...
Quy định về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đảm bảo hài hòa với các đối tượng khác trong hệ thống chính trị
Về nội dung này, báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NOXH trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “đưa chỉ tiêu phát triển NOXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương”.
Đồng thời, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân là một hình thức phát triển NOXH. Do đó, trong việc xác định chỉ tiêu phát triển NOXH trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã bao gồm nhu cầu về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, nhu cầu về NOXH để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, tính khả thi. Vì vậy, UBTVQH không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với chủ trương của Đảng và Luật Nhà ở năm 2023.
Quy định về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân là chính sách mới trong Luật Nhà ở năm 2023, có hiệu lực từ 1/8/2024 nên cần có thời gian triển khai thực hiện để đánh giá việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm hài hòa về chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức và các đối tượng khác trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Nghị quyết giám sát không phải là Nghị quyết quy phạm pháp luật, do đó việc đề xuất sửa đổi các quy phạm pháp luật của các luật (Luật Nhà ở, Luật Đầu tư) phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.