Nhà ở, kết hợp kinh doanh phải có lối thoát nạn thứ 2: Người dần cần hướng dẫn cụ thể

Trước yêu cầu tất cả nhà ở tại Hà Nội phải mở lối thoát nạn thứ 2, nhiều người dân, chuyên gia bày tỏ ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn.

Video nhiều ngôi nhà nằm trong ngõ sâu.

Nhà ở trong ngõ khó làm lối thoát nạn thứ 2

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn từ nay đến năm 2030.

Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Nghị quyết yêu cầu nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ở Hà Nội phải mở lối thoát nạn thứ 2.

Sống trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), từng chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm, ông Nguyễn Cảnh Hồng đã tự thiết kế lối thoát nạn cho ngôi nhà của mình.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng chia sẻ với phóng viên.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng chia sẻ với phóng viên.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở lối thoát nạn thứ 2 của Hà Nội. Bởi hiện nay, tình hình cháy nổ đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là vào mùa nắng nóng như hiện nay.

May mắn hơn nhiều hộ gia đình khác, phía trước nhà tôi là phố Hàng Bông, phía sau nhà là BV Việt Đức. Từ lâu, tôi đã mở thêm lối ra phía sau nhà, phòng khi chẳng may hỏa hoạn", ông Hồng nói.

Có nhà ở trong ngõ nhỏ trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), chị N.T.H chia sẻ: "Trong ngõ này, nhà nào cũng xây đua ra ở các tầng trên, chiếm dụng cả khoảng không gian. Nhà xây dựng đã lâu, nếu thành phố yêu cầu có lối thoát nạn thứ 2, chúng tôi chưa biết phải làm thế nào?

3 mặt của nhà bị che chắn bởi các nhà khác, còn phía trước thì cũng không còn khoảng không gian. Tôi mong được cơ quan chức năng hướng dẫn và có giải pháp tối ưu với đặc thù từng khu vực".

Thực trạng không gian mặt tiền các tòa nhà trong con ngõ nhà chị N.T.H.

Thực trạng không gian mặt tiền các tòa nhà trong con ngõ nhà chị N.T.H.

Anh Lưu Văn Huế (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, nhà dân đan xen, xây san sát nhau, khi muốn mở lối thoát nạn thứ 2 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Ba mặt đều bị bịt kín, ngõ hẹp nên không gian mặt trước tòa nhà cũng hạn chế. Nếu mở lối thoát nạn thứ 2 sang nhà bên cạnh thì không phải ai cũng đồng ý. Việc triển khai lối thoát nạn thứ 2 thực sự rất tốt nếu thực hiện được", anh Huế chia sẻ.

Cần hướng dẫn để người dân làm

Thượng tá Phan Anh - Phó trưởng Khoa Phòng cháy thuộc Đại học PCCC (Bộ Công an) cho biết, yêu cầu tất cả nhà ở hộ gia đình có lối thoát nạn thứ 2 của Hà Nôi là kịp thời, cần thiết và quan trọng.

Việc làm này cũng sẽ sớm được lan tỏa tới các tỉnh, thành phố khác của cả nước. Mục tiêu này nếu thực hiện được thì rất tốt với công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH cho những hộ gia đình, người dân sống trên địa bàn thành phố.

Thượng tá Phan Anh - Phó trưởng Khoa Phòng cháy thuộc Đại học PCCC (Bộ Công an).

Thượng tá Phan Anh - Phó trưởng Khoa Phòng cháy thuộc Đại học PCCC (Bộ Công an).

Bên cạnh đó, Thương tá Phan Anh cũng nhận định, sẽ gặp khó khăn trong việc mở lối thoát nạn thứ 2 với những nhà ở trong các con ngõ sâu, chật hẹp.

"Thực trạng các nhà ở trong các khu dân cư hiện nay là do lịch sử phát triển lâu dài của thành phố. Chúng ta có thể thấy rất nhiều nhà trong phố nhỏ, ngõ nhỏ, thậm chí những khoảng di chuyển chỉ có 0,5m, rất chật.

Người ta phải đi bộ chứ không thể sử dụng các phương tiện giao thông. Vì vậy để có khoảng không gian cho các hộ gia đình triển khai, nếu chúng ta hiểu lối thoát nạn thứ 2 là mở vào các cầu thang ngoài nhà hoặc các mặt khác của nhà chứ không phải mặt trước thì rất khó thực hiện. Bởi không còn không gian.

Thực tế, hộ gia đình mở được lối thoát nạn thứ 2, theo cách hiểu đơn giản nhất là mở ở mặt tiền phía trước với những nhà có chuồng cọp, lồng sắt hoặc không có ban công. Khi mở như vậy, người dân có thể hiểu là lối thoát hiểm, chứ không phải lối thoát nạn", Thượng tá Phan Anh nói.

Phân tích về quy định lối thoát nạn thứ 2, Thương tá Phan Anh cho biết, theo tiêu chuẩn lối thoát nạn thứ 2 có kích thước rộng 0,8 m, cao 1,9 m.

Đường dẫn đến lối thoát nạn phải an toàn không ảnh hưởng bởi nguy hiểm của đám cháy. Thông qua đó, người dân có thể theo lối thoát nạn di chuyển an toàn.

Theo các chuyên gia, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần khảo sát thực tế ở từng khu vực, địa bàn.

Qua đó, có thể đưa ra những hướng dẫn và cách thức mở lối thoát nạn phù hợp với từng hộ gia đình, con ngõ, tuyến phố.

Cùng với đó, nghiên cứu thêm những cơ chế hỗ trợ các gia đình khó khăn ở những khu vực có tiềm ẩn cháy nổ cao có thêm lối thoát hiểm, góp phần đảm bảo công tác PCCC&CNCH trong trường hợp xấu có thể xảy ra.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-o-ket-hop-kinh-doanh-phai-co-loi-thoat-nan-thu-2-nguoi-dan-can-huong-dan-cu-the-169240705171641035.htm
Zalo