Nhà ở công vụ cho cán bộ Cần Thơ sau sáp nhập: Phải 1 năm nữa mới có nhà
Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2025-2030, khoảng 942 cán bộ có nhu cầu nhà ở công vụ. Dự kiến Thành phố bố trí 3 khu nhà khách làm nhà ở công vụ, nhưng tới nay, sau gần 1 tuần bộ máy mới đi vào hoạt động, những khu nhà trên xuống cấp vẫn chưa được tu sửa, trong khi chủ đầu tư dự tính phải mất khoảng 1 năm mới sửa xong để đưa vào sử dụng.
Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, trong số cán bộ về Cần Thơ làm việc có nhu cầu nhà ở công vụ, có 87 người thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định (từ phó giám đốc sở và tương đương trở lên, gồm 76 người thuộc sở, ban, ngành và 11 người thuộc ngành dọc Trung ương).
Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ cải tạo, sửa chữa 3 nhà khách để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức, gồm Nhà khách Tây Nam Bộ, Nhà khách số 2 và dãy phòng nghỉ sau trụ sở Thành ủy Cần Thơ. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 47 tỷ đồng.
Về việc xây nhà ở công vụ mới, HĐND TP. Cần Thơ thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng số tiền khoảng 1.433 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 365 tỷ đồng xây 310 căn nhà ở công vụ cho khối hành chính, sự nghiệp; khoảng 1.068 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra, cán bộ đủ điều, có nhu cầu sẽ được ưu tiên mua nhà ở xã hội, hiện có khoảng 500 căn.
Tuy nhiên, sau 1 tuần sáp nhập Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ, ghi nhận của PV Tiền Phong, cả 3 khu nhà khách dự kiến dùng làm nhà ở công vụ cho cán bộ về trung tâm hành chính Cần Thơ làm việc vẫn chưa có hoạt động tu sửa, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, bụi bặm, cỏ xanh tốt... Dù trước sáp nhập, lãnh đạo Cần Thơ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương tu sửa, đảm bảo nơi ở cho cán bộ từ Sóc Trăng, Hậu Giang cũ về Cần Thơ làm việc. Dù vậy, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án tu sửa 3 nhà khách trên tính toán, thời gian làm thủ tục đầu tư, đấu thầu, thi công mất khoảng 11 tháng mới xong.

Kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa Nhà khách Tây Nam Bộ (phường Hưng Phú) làm nhà ở công vụ dự kiến gần 27 tỷ đồng (tính toán trước đó khoảng 10,7 tỷ đồng).

Sau cải tạo, Nhà khách Tây Nam Bộ sẽ có 80 phòng. Tuy nhiên, hiện chưa có hoạt động sửa chữa nào được tiến hành.

Nhà khách số 2 trên đường Hai Bà Trưng, phường Ninh Kiều cũng dự kiến làm nhà ở công vụ phục vụ cán bộ sau sáp nhập.


Nhà khách số 2 có 36 phòng, nhưng hiện cũng xuống cấp.

Dãy phòng nghỉ sau trụ sở Thành ủy Cần Thơ có 20 phòng, cũng dự kiến làm nhà ở công vụ, nhưng cũng trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Tổng kinh phí cải tạo, sửa chữa Nhà khách số 2 và dãy phòng nghỉ phía sau trụ sở Thành ủy gần 20 tỷ đồng (trước đó dự kiến khoảng 7,7 tỷ đồng), sau cải tạo 2 trụ sở này sẽ có 56 phòng. Như vậy, sau khi sửa chữa các nhà khách trên, Cần Thơ sẽ có 136 phòng làm nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập cấp tỉnh.

UBND TP. Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án dân dụng – công nghiệp làm chủ đầu tư dự án sửa chữa 3 nhà khách trên. Ban này đã trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, khi được duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến nhanh nhất sau 95 ngày (hơn 3 tháng) sẽ chọn được nhà thầu, thi công khoảng 8 tháng mới đưa các nhà khách trên vào sử dụng được. Ảnh dãy phòng nghỉ sau Thành ủy.


Với tính toán của chủ đầu tư, nhanh nhất cũng phải gần 1 năm nữa 3 nhà khách trên mới sửa xong để cán bộ vào ở. Để rút ngắn tiến độ trên, Sở Xây dựng Cần Thơ đã kiến nghị cấp thẩm quyền sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, các sở ngành và đơn vị liên quan ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án. Ảnh dãy phòng nghỉ sau Thành ủy xuống cấp.

Sở Xây dựng Cần Thơ đang rà soát 20 căn nhà ở cũ thuộc công sản để đề xuất chuyển đổi công năng và cải tạo thành nhà ở công vụ. Ngoài ra, Sở Xây dựng đang quản lý 15 căn nhà ở công vụ, qua rà soát có 5 căn diện thu hồi để bố trí cho cán bộ khác, khi cán bộ đang ở đã nghỉ hưu, hoặc chuyển về địa phương mới. Ảnh dãy phòng nghỉ sau Thành ủy.