Nhà khoa học trẻ với khát vọng phát triển IoT cho thành phố thông minh
Trong làn sóng chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của Internet vạn vật (IoT), TS Lê Kim Hùng - Trưởng Bộ môn Truyền thông, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông (Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP. HCM), đã ghi dấu ấn với những nghiên cứu tiên phong và thành tựu xuất sắc.
Hành trình đến với khoa học công nghệ
Sinh năm 1990, TS Lê Kim Hùng chọn Công nghệ thông tin là con đường sự nghiệp từ khi trở thành sinh viên Khoa Mạng máy tính và Truyền thông (Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP. HCM). Sau khi tốt nghiệp, anh có cơ hội làm việc tại trường “Đó là bước khởi đầu giúp tôi nhận ra niềm đam mê giảng dạy và nghiên cứu”, TS Hùng chia sẻ.
Cột mốc quan trọng trong hành trình khoa học của anh đến vào năm 2014, khi theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành An toàn thông tin trong mạng máy tính tại Telecom Paristech (Pháp). Hai năm sau, anh tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ tại ĐH Sorbonne, với đề tài nghiên cứu tập trung vào việc nâng cao khả năng tương tác cho IoT trong bối cảnh thành phố thông minh. "Quãng thời gian học và nghiên cứu tại Pháp giúp tôi nhận ra tiềm năng to lớn của IoT kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và những thách thức cần giải quyết để ứng dụng các công nghệ này", anh nói.
Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, TS Lê Kim Hùng trở về Việt Nam, tiếp tục công tác tại trường và không ngừng phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực IoT.
Đam mê và nguồn cảm hứng
Khi được hỏi về nguồn cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu, TS Lê Kim Hùng không ngần ngại nhắc đến hai người thầy hướng dẫn tiến sĩ của mình: GS Paolo Papotti và GS Christian Bonnet. “Hai thầy không chỉ tận tình hướng dẫn tôi về phương pháp nghiên cứu khoa học mà còn truyền cảm hứng với tư duy làm việc nghiêm túc và đam mê mãnh liệt. Một lời dạy mà tôi luôn ghi nhớ là: Kẻ thù lớn nhất của khoa học chính là sự hời hợt”, TS Hùng chia sẻ.
Những buổi thảo luận kéo dài, những lần thầy sửa từng câu chữ trong bài báo khoa học đã để lại dấu ấn sâu sắc với anh. Những bài học này không chỉ định hình phong cách nghiên cứu mà còn giúp anh xây dựng tư duy khoa học sắc bén và kiên trì trước khó khăn.
Nghiên cứu nổi bật: Tiết kiệm năng lượng trong hệ thống IoT quy mô lớn
Một trong những công trình nghiên cứu mà TS Lê Kim Hùng tâm đắc nhất là “Thuật toán lấy mẫu thích ứng cho thiết bị trong IoT quy mô lớn”, được anh thực hiện trong quá trình tham gia Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng.
Công trình này hướng tới giải quyết thách thức tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị IoT giá rẻ sử dụng nguồn năng lượng hạn chế như pin. Trong các hệ thống IoT quy mô lớn, việc thu thập và truyền dữ liệu liên tục có thể làm cạn kiệt năng lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Thuật toán của TS Hùng tối ưu hóa tần suất thu thập dữ liệu, vừa đảm bảo chất lượng dữ liệu cho các hoạt động phân tích và ra quyết định, vừa tiết kiệm năng lượng.
“Điểm khác biệt của thuật toán là tính linh hoạt và khả năng cá nhân hóa cao. Trong ứng dụng yêu cầu độ chính xác cao, người dùng có thể ưu tiên chất lượng dữ liệu. Ngược lại, với những ứng dụng cần tiết kiệm năng lượng, thuật toán sẽ tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng mà vẫn đảm bảo hiệu quả”, anh giải thích.
Nghiên cứu này không chỉ có giá trị khoa học mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giao thông thông minh, giám sát môi trường, và quản lý năng lượng.
Khát vọng cống hiến
Với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, TS Lê Kim Hùng không chỉ đạt được nhiều thành tựu cá nhân mà còn góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Anh luôn khuyến khích sinh viên và đồng nghiệp không ngừng khám phá những hướng đi mới trong nghiên cứu.
Trong tương lai, anh dự định mở rộng nghiên cứu sang việc ứng dụng AI vào IoT để giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp thông minh và y tế thông minh mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên. Đồng thời, anh cũng hy vọng tăng cường hợp tác quốc tế để đưa các kết quả nghiên cứu của Việt Nam ra thế giới.
Những đóng góp của TS Lê Kim Hùng đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó nổi bật là giải thưởng Quả Cầu Vàng – một vinh dự dành cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc. “Tôi rất biết ơn sự dìu dắt của các thầy cô, đồng nghiệp và sự hỗ trợ từ gia đình. Thành công hôm nay không chỉ là của riêng tôi mà còn là của tất cả những người đã đồng hành cùng tôi”, anh bày tỏ.