Nhà đầu tư mua cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết cần làm gì để nhận tiền bồi thường?
Sau nhiều năm chờ đợi, những người bị hại đầu tiên trong vụ án Trịnh Văn Quyết, đầu tư vào cổ phiếu của FLC chuẩn bị nhận lại tiền bồi thường…

Ngày 24/7, Cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội phát thông báo đề nghị người được thi hành án thực hiện các thủ tục yêu cầu để được nhận tiền bồi thường trong vụ án FLC.
Theo nội dung thông báo, Cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội đã nhận được các Bản án do Tòa án chuyển giao. Để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án, Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội thông báo để người được thi hành án thực hiện thủ tục yêu cầu thi hành án nhận lại tiền bồi thường.
Người được thi hành cần chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn yêu cầu thi hành án, đơn đề nghị chuyển khoản theo mẫu; giấy tờ tùy thân (một trong các bản sao căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy xác nhận thông tin về cư trú);
Giấy xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng; giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền nếu ủy quyền yêu cầu thi hành án nhận tiền. Trường hợp chuyển tiền vào tài khoản của người khác cần kèm theo ủy quyền hợp lệ theo quy định.

Danh sách những người đầu tiên được nhận bồi thường trong vụ án
Để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án và tránh việc tập trung đông người, Thi hành án dân sự Hà Nội đề nghị đương sự gửi hồ sơ theo đường bưu điện về bộ phận một cửa của đơn vị tại Tổ dân phố 13 Nhân Mỹ, phường Từ Liêm.
Đơn vị thi hành án lưu ý người được nhận tiền bồi thường là những người có tên tại phụ lục kèm theo bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Với các nhà đầu tư khác là bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện chưa yêu cầu bồi thường sẽ có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết quyền lợi của mình trong vụ án dân sự khác.
Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ROS cho người khác sẽ có quyền tự thỏa thuận với bên mua về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền giải quyết trong vụ án dân sự khác theo quy định pháp luật.
Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cho biết, số lượng bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đại án Tập đoàn FLC đặc biệt lớn, hơn 28.000 người.
Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, tòa tuyên giảm án cho ông Trịnh Văn Quyết từ 21 năm tù xuống còn 7 năm tù giam cho hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Trong hai em gái của ông Quyết có bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga được cấp phúc thẩm tuyên án bằng thời hạn giam giữ, trả tự do ngay tại tòa (cấp sơ thẩm tuyên Nga 8 năm); Trịnh Thị Minh Huế lĩnh 4 năm 6 tháng tù (cấp sơ thẩm tuyên 14 năm tù).
Các bị cáo khác được giảm án rất sâu hoặc chuyển từ phạt tù sang hình thức phạt tiền đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”...
Về dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận ông Trịnh Văn Quyết khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án 2.470 tỷ đồng.
Bản án xác định, từ tháng 5/2017 - 1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Huế và Nga, cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Khi tuyên án, cấp sơ thẩm đánh giá cựu Chủ tịch FLC là người chỉ đạo mua công ty Faros; nâng khống vốn; niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán bán thu lời bất chính.
Bên cạnh đó, ông Quyết cũng chỉ đạo thuộc cấp mượn Chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán; chỉ đạo đặt lệnh mua bán tạo cung cầu giả, thổi giá lên cao chiếm đoạt tiền nhà đầu tư. Các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế; Trịnh Thị Thúy Nga; Hương Trần Kiều Dung, giữ vai trò giúp sức. Trong đó, Huế là người thực hành phạm tội tích cực nhất, giúp anh trai hưởng lợi bất chính.
Ở thời điểm hiện tại, khi các nhà đầu tư cổ phiếu của FLC chuẩn bị được bồi thường thiệt hại thì những nhà đầu tư mảng bất động sản của FLC vẫn như "ngồi trên đống lửa", lo lắng.
Ba năm họ vẫn trông chờ một phiên tòa xét xử đòi lại quyền lợi bởi sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vào ngày 29/3/2022, nhiều dự án bất động sản trải dài từ Bắc vào Nam của FLC dang dở, một số dự án bị dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, chấm dứt hoạt động.