Nhà báo Thành Thị Thu Lương và hành trình 10 năm lan tỏa yêu thương
Từ nồi cháo yêu thương đến những cây cầu nơi rẻo cao, từ sinh kế cho bà con đến điểm trường khang trang cho trẻ nhỏ, hành trình 10 năm của chị Thành Thị Thu Lương và nhóm thiện nguyện 'Mùa thu và những người bạn' đã thắp sáng hy vọng cho nhiều mảnh đời yếu thế.
Khi ngòi bút dẫn lối trái tim
Có những bài báo khiến người ta suy nghĩ. Có những bài báo buộc người ta phải hành động. Nhưng cũng có những bài báo không ồn ào mà lặng lẽ gieo mầm thiện lành vào lòng người đọc. “Viết không chỉ để phản ánh, mà còn để sẻ chia. Không chỉ kể, mà còn chạm đến”, đó là điều chị Thành Thị Thu Lương (sinh năm 1976, tại phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) luôn hướng đến trong hành trình làm báo.

Chị Thành Thị Thu Lương (bên trái) cho biết, khi bước chân vào nghề báo, chị không nghĩ rằng có ngày mình sẽ vừa viết, vừa sống cùng những câu chuyện mình kể. Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong những chuyến đi thực tế, tận mắt chứng kiến cảnh trẻ em vùng cao thiếu lớp học, người bệnh không tiền chữa trị, hay những mảnh đời lam lũ, chị Lương mang về cho mình không chỉ là chất liệu cho bài viết, mà còn là những day dứt khôn nguôi.
“Tôi nhận ra rằng: Làm báo không chỉ là chuyển tải thông tin, mà còn là chuyển tải cảm xúc. Một bài viết có thể không thay đổi được cả thế giới, nhưng có thể khơi gợi lòng trắc ẩn, để những trái tim biết yêu thương thêm một lần được đánh thức”, chị Lương chia sẻ.
Từ những rung cảm trong quá trình tác nghiệp và mong muốn góp sức cho cộng đồng, năm 2015, chị Thành Thị Thu Lương cùng 2 người bạn chung chí hướng sáng lập nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn”, khởi đầu bằng hoạt động nấu cháo miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Một thập kỷ lan tỏa yêu thương
“Những ngày đầu thành lập, nhóm đối mặt với nhiều hoài nghi: “Một nhóm tự phát liệu có duy trì được lâu dài?”, “Liệu có minh bạch không?”. Nhưng chúng tôi kiên trì, minh bạch trong từng hoạt động. Mỗi chương trình đều được triển khai rõ ràng, hiệu quả. Sự nhất quán ấy giúp nhóm dần nhận được sự tin tưởng và đồng hành của cộng đồng”, chị Lương cho biết.
Từ những nồi cháo đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hành trình của “Mùa thu và những người bạn” dần mở rộng về quy mô và chất lượng. Năm 2016, số lượng thành viên tăng lên 30 người, nhóm mở thêm điểm phát cháo tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). “Thời điểm ấy, nhóm chưa có điểm nấu cố định, cháo phải vận chuyển bằng xe máy nên vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng với tinh thần thiện nguyện bền bỉ, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì đều các buổi phát cháo”, nữ nhà báo nhớ lại.



Nhóm “Mùa thu và những người bạn” phát cháo từ thiện tại các bệnh viện. Ảnh do nhân vật cung cấp
Một năm sau, các điểm phát cháo tiếp tục được mở rộng tại Bệnh viện Phổi Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Cháo đã được vận chuyển bằng ô tô, đảm bảo chất lượng hơn. Từ năm 2018, khi có điểm nấu cháo cố định tại số 157 phố Lạc Nghiệp (phường Bạch Mai, Hà Nội), nhóm tăng số lượng suất cháo và mở rộng phạm vi phát tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố.
“Với mong muốn phát triển quy mô hơn nữa, năm 2019, nhóm tham gia mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (FoodBank Vietnam). Đến năm 2023, nhóm tiếp tục thành lập doanh nghiệp xã hội “Cộng đồng FoodShare Miền Bắc”, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để duy trì các hoạt động bài bản hơn”, chị Thu Lương chia sẻ.
Sau 1 thập kỷ, nhóm quy tụ hơn 200 thành viên, trong đó có cả những người khuyết tật hay hoàn cảnh khó khăn. Dù mỗi người một nghề, một cảnh đời, họ đều chọn đồng hành bằng cái tâm góp phần vào hành trình lan tỏa yêu thương cho xã hội.

Nhóm phát quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ Vu lan năm 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hiện nay, nhóm duy trì hoạt động nấu và phát cháo miễn phí 3 ngày/tuần, tại 12 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương,… với khoảng 10.000 suất cháo/tháng.
Bên cạnh đó, nhóm triển khai hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tại hơn 100 điểm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với mức 500 nghìn đồng/điểm/tháng và hỗ trợ sinh kế qua việc trao tặng dê giống, lợn giống cho bà con, giúp họ có điều kiện vươn lên bằng sức lao động của mình.



Mỗi điểm trường, cây cầu không chỉ mở ra cơ hội học tập và đi lại an toàn hơn cho trẻ em miền núi, mà còn là minh chứng cho nỗ lực kiến tạo tương lai bằng lòng nhân ái và trách nhiệm cộng đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Không dừng lại ở hỗ trợ ngắn hạn, nhóm đầu tư xây dựng các công trình bền vững cho cộng đồng. Từ năm 2018 đến nay, “Mùa thu và những người bạn” đã xây dựng 8 điểm trường, nhà lưu trú và cầu dân sinh tại các vùng đặc biệt khó khăn như: Xã Chí Cà (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, nay là xã Xín Mần, tỉnh Tuyên Quang), xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nay là xã Nậm Ty, tỉnh Tuyên Quang), xã Chiềng Cang (huyện Sông Mã, nay là xã Mường Hung, tỉnh Sơn La),... với tổng kinh phí lên tới hơn 4 tỷ đồng.
Khi thiên tai, lũ lụt xảy ra, nhóm luôn kịp thời có mặt, mang theo những phần cứu trợ thiết thực đến với bà con vùng bị ảnh hưởng. Trong đó, chương trình xây dựng 11 căn nhà nổi chống lũ trị giá 440 triệu đồng, tại xã Tân Hóa và xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nay là xã Minh Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào năm 2021 là dấu ấn trong hành trình khắc phục hậu quả thiên tai của nhóm. Năm 2024, sau cơn bão Yagi, nhóm đến các tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên), Cao Bằng, Lào Cai và Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang) để trao tặng nhu yếu phẩm cho đồng bào.

Nhà nổi vượt lũ của nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn”. Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong suốt hành trình thiện nguyện, các thành viên luôn dành tâm huyết cho các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Những buổi lễ cầu siêu tại các Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt-Lào (Nghệ An), Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao (Điện Biên), Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang, nay là tỉnh Tuyên Quang) hay chương trình thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh miền Bắc là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay không quên sự hy sinh của cha anh đi trước.

Hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ của nhóm vào tháng 7-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình thiện nguyện của mình, chị Lương cho biết: “Giai đoạn 2019-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi phải điều chỉnh hình thức hoạt động để thích nghi. Nhưng thay vì thu hẹp, nhóm lại mở rộng hỗ trợ. Chúng tôi tham gia giải cứu nông sản, tiếp tế cho các khu cách ly, hỗ trợ người dân khó khăn, gửi quà và nhu yếu phẩm đến các bệnh viện tuyến đầu. Khó khăn là có, nhưng trong lúc người cần được giúp đỡ nhiều hơn bao giờ hết, chúng tôi không thể đứng ngoài”.

Ngoài ra, nhóm cũng tích cực tham gia và vận động các chương trình hiến máu nhân đạo tại các bệnh viện như: Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tiếp nối hành trình gieo mầm thiện lành
Để duy trì hoạt động thiện nguyện lâu dài, “Mùa thu và những người bạn” tổ chức nguồn thu linh hoạt và minh bạch. Nhóm tiếp nhận sản phẩm từ mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (FoodBank Vietnam) như: Bánh kẹo từ Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam hay nguyên liệu nấu cháo từ thịt, xương từ một số doanh nghiệp, để phục vụ cho các chương trình thiện nguyện.
Bên cạnh đó, nhóm còn gây quỹ thông qua hoạt động bán hàng giải cứu nông sản và bán một số sản phẩm khác như: Tranh làm từ lá bồ đề, hàng tiêu dùng… Toàn bộ số tiền thu được, cùng với sự đóng góp từ các nhà hảo tâm, được cho vào quỹ chung để duy trì và mở rộng các hoạt động.

Những bức tranh lá bồ đề được thành viên trong nhóm tự làm rồi bán gây quỹ. Ảnh: Hải Ly
“Mọi khoản đóng góp và chi tiêu của nhóm đều được công khai trên nền tảng trực tuyến để bất cứ ai quan tâm cũng có thể theo dõi. Đó là cách chúng tôi giữ vững niềm tin và sự đồng hành lâu dài từ cộng đồng”, chị Lương cho biết.
Theo chị Thành Thị Thu Lương, thời gian tới, “Mùa thu và những người bạn” sẽ tiếp tục bền bỉ phát huy các hoạt động thiện nguyện đã gây dựng trong suốt 1 thập kỷ và đi sâu hơn vào những địa bàn còn nhiều khó khăn. Nhóm hướng đến hành trình thiện nguyện không ngừng lớn mạnh, trong đó mỗi việc làm đều góp phần nuôi dưỡng lòng nhân ái và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng.

Nhận xét về chị Lương, cô Nguyễn Thị Nhung - thành viên của nhóm thiện nguyện cho biết: “Thu Lương làm việc bằng cái tâm, và luôn có mặt khi cần. Chính sự nhiệt huyết và lòng tận tụy của Lương đã truyền cảm hứng để mỗi thành viên trong nhóm dấn thân và kiên trì với con đường thiện nguyện”. Ảnh: Hải Ly
Có lẽ, hành trình thiện nguyện mà chị Thành Thị Thu Lương đang bền bỉ theo đuổi cũng giống nghề báo mà chị đã chọn: Lặng lẽ đi vào những vùng khuất của đời sống, kiên trì gom nhặt những mảnh ghép tử tế để lan tỏa. Chị Lương hiện đang công tác tại Tạp chí Việt Nam Hội nhập, công việc này giúp chị có thêm điều kiện lan tỏa những câu chuyện nhân ái đến với đông đảo bạn đọc. Nhưng với chị, viết thôi chưa đủ. Chị chọn đi xa hơn những con chữ, chọn ở lại với những mảnh đời, biến từng điều day dứt thành hành động cụ thể, từng trang viết thành những nồi cháo, những cây cầu và phần quà sinh kế gửi đến người cần được giúp đỡ.

Chị Thành Thị Thu Lương và các em nhỏ tại xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nay là xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La). Ảnh do nhân vật cung cấp
Mười năm trôi qua, “Mùa thu và những người bạn” đã lặng lẽ đi qua nhiều vùng đất, để lại những dấu ấn thiện nguyện trên hành trình kết nối yêu thương. Trong hành trình ấy, chị Lương không chỉ là người khơi nguồn mà còn là người giữ lửa để tinh thần thiện nguyện lan rộng trong cộng đồng. Và có lẽ, chính sự tử tế, chân thành của những con người như chị giúp chúng ta thêm tin rằng: Lòng tốt vẫn luôn hiện hữu, và điều tử tế thì không bao giờ lỗi thời.