Nguy kịch do mò đốt

Nam bệnh nhân 36 tuổi sau khi bị mò đốt đã biến chứng suy đa tạng, phải thở máy và lọc máu liên tục

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân nam, 36 tuổi (ở Sơn La), với chẩn đoán sốt mò, biến chứng suy đa tạng sau khi bị mò đốt.

Người bệnh khởi phát với triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi, tự điều trị tại nhà 4 ngày nhưng bệnh không đỡ.

Bệnh nhân bị mò đốt nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Quang Hưng

Bệnh nhân bị mò đốt nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Quang Hưng

4 ngày tiếp theo, bệnh nhân được điều trị tại 2 bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; được dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, phối hợp kháng sinh, lọc máu liên tục, thở máy, tuy nhiên bệnh không cải thiện.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao, suy đa tạng: Trụy mạch, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương gan thận cấp tính, giảm tiểu cầu.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện vùng ngực phải bệnh nhân có vết loét điển hình của bệnh sốt mò, từ đó chỉ định xét nghiệm và kháng sinh đặc hiệu.

Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò, được chỉ định điều trị với phác đồ đặc hiệu. Quá trình điều trị, tình trạng suy đa tạng cải thiện, bệnh nhân được ra viện sau 7 ngày điều trị.

Sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới.

Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân và chu kỳ lây nhiễm bệnh sốt mò

Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân và chu kỳ lây nhiễm bệnh sốt mò

Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: Phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây…

Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ. Đặc điểm của vết loét trong sốt mò là không đau, không ngứa, do đó bệnh nhân không biết sự hiện diện của vết loét, vì thế thường chỉ được phát hiện qua thăm khám lâm sàng của bác sĩ.

Nốt loét đặc trưng, điển hình của sốt mò thường ở vùng da mềm, ẩm, như: Bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ… đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).

Sau thời gian ủ bệnh từ 8-12 ngày, bệnh khởi phát với những triệu chứng sốt cao liên tục, đau nhức đầu, đau mỏi cơ.

Nếu điều trị muộn, hoặc điều trị không phù hợp, có thể có biến chứng nặng như: Viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não, suy chức năng đa tạng, thậm chí tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân kèm theo có yếu tố dịch tễ của sốt mò nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguy-kich-do-mo-dot-196240703065353045.htm
Zalo