Nguy cơ với thuốc lá lậu
Hơn 1,3 triệu bao thuốc lá điếu (trị giá hơn 65 tỷ đồng) không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu được ngụy trang tinh vi, đã bị lực lượng Hải quan phát hiện và xử lý trong 6 tháng đầu năm 2025. Các vụ việc chủ yếu diễn ra tại các cảng biển lớn như Cát Lái và Cái Mép cho thấy Việt Nam đang nguy cơ trở thành 'mắt xích' trong các đường dây buôn lậu thuốc lá xuyên quốc gia.
Vừa qua, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan - Bộ Tài chính) đã khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu” xảy ra tại cảng Cát Lái - TPHCM. Đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an TPHCM để tiếp tục điều tra theo quy định. Trước đó, ngày 5 - 6/6, Đội 3 - Chi cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra lô hàng của Công ty TNHH XNK V.H.P ở TPHCM. Lô hàng xuất khẩu đóng trong 1 container của Công ty V.H.P khai báo tại Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1.

Một vụ buôn lậu thuốc lá do lực lượng Hải quan phối hợp với đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ.
Theo khai báo lô hàng gồm 2 bồn rỗng dùng chứa nguyên liệu bằng thép trọng lượng 18.000kg. Tuy nhiên, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện bên trong 2 bồn thép có chứa nhiều thùng carton chứa 84.000 bao thuốc lá Marlboro (trị giá hơn 3 tỷ đồng). Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH XNK V.H.P không xuất trình được hồ sơ, chứng từ.
Ngày 17/6, tại cảng Cái Mép (TPHCM), lực lượng chức năng thuộc Chi cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa chứa trong container do Công ty T.T.H mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để vận chuyển quá cảnh từ Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam đi UAE. Tên hàng theo khai báo là thuốc lá điếu, nhãn hiệu Chesterfield tổng trọng lượng 21.120kg.
Kết quả kiểm tra cho thấy thuốc lá điếu nhãn hiệu Chesterfield tổng số có 1.050 thùng, 52.500 cây. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty T.T.H không xuất trình được các chứng từ liên quan đến nguồn gốc, quyền sở công nghiệp của hàng hóa. Ngành chức năng liên quan xác định, toàn bộ lô hàng thuốc lá nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Lô hàng có tổng trị giá hơn 48,6 tỷ đồng…
Theo nhận định từ Cục Hải quan, hàng loạt vụ việc gần đây cho thấy Việt Nam hiện là điểm trung chuyển, một mắt xích để buôn lậu, xuất khẩu thuốc lá ra nước ngoài. Đây là địa bàn được các đối tượng lợi dụng, sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm với mặt hàng thuốc lá như buôn lậu, hàng giả, hàng sở hữu trí tuệ, đặc biệt là địa bàn các cảng biển ở phía Nam như cảng Cát Lái, Cái Mép. Hoạt động buôn lậu, vi phạm mặt hàng thuốc lá đa dạng về hàng hóa, đa dạng về loại hình gồm có xuất khẩu, quá cảnh, sản xuất thuốc lá trong nội địa và vận chuyển độc lập từ Bắc vào Nam để xuất khẩu ra nước ngoài (Bắc Ninh - Hải Phòng - Cái Mép - Israel).
Cục Hải quan cho rằng, điểm đến của các lô hàng thuốc lá gồm nhiều nước khác nhau trên thế giới như: Úc, Canada, UAE, Malaysia, Israel. Như vậy, có thể nói nhu cầu về mặt thuốc lá vẫn còn cao, xuất hiện hầu như khắp toàn cầu và thời gian tới có thể vẫn còn xảy ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm về hàng giả, hàng sở hữu trí tuệ với diễn biến phức tạp.
Bàn về giải pháp ngăn chặn, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan: Hải quan, Biên phòng, Công an kinh tế, Quản lý thị trường... đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường. Việc kiểm soát kỹ hồ sơ, tăng cường soi chiếu hàng hóa, xác minh thông tin tờ khai cũng là biện pháp hữu hiệu để phát hiện gian lận từ sớm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng chính sách ủy thác xuất khẩu để tiếp tay cho buôn lậu, giả mạo thương hiệu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.