Nguy cơ thiếu hụt bác sĩ tuyến cơ sở

Từ năm 2024 - 2030, hơn 17% bác sĩ làm việc ở các trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh đến tuổi nghỉ hưu. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa trong việc tìm nguồn nhân lực bổ sung, vì những năm qua, công tác thu hút bác sĩ về tuyến cơ sở vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải.

Sở Y tế vừa thống kê số lượng bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh và số lượng bác sĩ nghỉ hưu trong giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.012 bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Từ năm 2024 - 2030, có 139 bác sĩ đến độ tuổi nghỉ hưu; trong đó, có 53 bác sĩ ở tuyến tỉnh, còn lại 86 bác sĩ ở tuyến huyện và xã. Tuy nhiên, nếu như ở tuyến tỉnh, nhiều bệnh viện đã tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với các bác sĩ để chủ động nguồn nhân lực, thì ở trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế cấp xã, việc đảm bảo số lượng bác sĩ sau năm 2030 là nỗi lo của nhiều đơn vị.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) thăm khám sức khỏe cho người dân. Ảnh: Ý THU

Bác sĩ Trạm Y tế xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) thăm khám sức khỏe cho người dân. Ảnh: Ý THU

Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh nỗ lực thu hút bác sĩ về tỉnh công tác, tỉnh cũng đã tính đến phương án tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện có. Vào tháng 5/2023, UBND tỉnh đã làm việc với Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) đề nghị nhà trường hỗ trợ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ. Theo đó, UBND tỉnh và nhà trường đã đi đến thống nhất, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) sẽ đào tạo liên thông lên bác sĩ cho các y sĩ đa khoa đang làm việc tại tuyến y tế cơ sở và một số đơn vị y tế, bệnh viện có các chuyên ngành khó tuyển dụng bác sĩ như tâm thần, pháp y, bệnh lao...

Theo kế hoạch, từ năm 2023- 2025, mỗi năm, tỉnh sẽ cử từ 30 - 40 y sĩ đa khoa học liên thông bác sĩ tại Thừa Thiên Huế. Đây là nỗ lực của tỉnh trong chủ động nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại tuyến cơ sở và góp phần thực hiện đạt hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 7 y sĩ đa khoa đăng ký học liên thông lên bác sĩ. Đây là con số quá thấp so với kỳ vọng ban đầu của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, có nhiều nguyên nhân khiến y sĩ đa khoa ngại học liên thông lên bác sĩ, trong đó nguyên nhân chính là thời gian đào tạo khá dài. "Trước đây, việc đào tạo nâng trình độ từ y sĩ đa khoa lên bác sĩ từ 3 - 4 năm. Còn hiện nay, thời gian đào tạo là 6 năm, như đào tạo bác sĩ hệ chính quy. Việc thi tuyển đầu vào cũng đòi hỏi rất cao. Trong khi đó, phần lớn các y sĩ đa khoa trên địa bàn đã lập gia đình, lớn tuổi nên họ không mặn mà với việc học lên bác sĩ", ông Đức nói.

Thu hút bác sĩ về huyện, xã đã khó, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo số lượng bác sĩ khám, chữa bệnh lại càng khó hơn. Trước những trở ngại nói trên, tỉnh cần có giải pháp căn cơ hơn nữa trong giải quyết bài toán nguồn nhân lực bác sĩ. Đó là, tập trung bổ sung 86 bác sĩ cho các trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế cấp xã từ nay đến năm 2030, nhất là tại các trạm y tế cấp xã. Bởi hiện tại, phần lớn các trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ làm việc. Trong khi đó, từ năm 2024 - 2030, có đến 38 bác sĩ ở trạm y tế cấp xã đến tuổi nghỉ hưu.

Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/suc-khoe/202407/nguy-co-thieu-hut-bac-si-tuyen-co-so-6102fab/
Zalo