Nguồn nhân lực chất lượng cao 'khiêm tốn' khiến ĐBSCL chậm phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao khiến ĐBSCL chậm phát triển bền vững
Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là SDMD 2045) được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức. Sau 2 năm, Diễn đàn Quốc tế SDMD 2024 chính thức diễn ra từ ngày 29 - 30/11/2024, với chủ đề “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”. Diễn đàn với sự tham gia của hơn 400 đại biểu (80 chuyên gia quốc tế) cùng bàn các giải pháp về công nghiệp, công nghệ; cũng như các ký kết hợp tác đa phương trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn năm 2045.
Thời gian qua, Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung luôn quan tâm lồng ghép triển khai các nội dung về phát triển bền vững vào các định hướng phát triển và chính sách trong giai đoạn mới của mỗi tỉnh/thành.
Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định, Diễn đàn Quốc tế SDMD tổ chức 2 năm/lần và tọa đàm trực tuyến hàng quý đã góp phần hỗ trợ Cần Thơ đạt được nhiều kết quả quan trọng liên tục thời gian qua. Cụ thể, thành phố đã tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến đầu tư. Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu.
"Diễn đàn tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045. Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung. Chúng ta cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh", ông Dương Tấn Hiển cho hay.
Tham dự Diễn đàn, hầu hết các đại biểu nhận định, ĐBSCL đang đứng trước thời cơ lớn, khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang định hướng thúc đẩy phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt, cơ chế đối thoại SDMD hướng đến phát triển bền vững vùng ĐBSCL là một nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Nhằm nắm bắt và tận dụng tối đa thời cơ đó, các đại biểu cho rằng, cần có sự triển khai đồng bộ và quyết liệt cả ở hàng dọc và hàng ngang, ở các thành phần kinh tế và các viện, trường… trong thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương.
TS Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ, điểm nghẽn lớn nhất phát triển bền vững vùng hiện vẫn là hạ tầng giao thông (cao tốc, đường thủy, cảng biển), kết nối các trung tâm logistics vì các tàu lớn vẫn chưa thể cập bến tại các tỉnh/thành ĐBSCL: "Nông nghiệp của vùng hiện chưa ứng dụng công nghệ cao, do vậy cần khuyến khích ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp chất lượng cao hơn, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin và tự động hóa vào trong nông nghiệp. Riêng vấn đề chế biến nông sản, hiện có chế biến nhưng chưa sâu, thành ra khi xuất khẩu đa phần là dạng thô, nên giá trị gia tăng mang lại không cao. Vấn đề nữa đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với công nghiệp hóa – hiện đại hóa".
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ và năng lượng tái tạo không chỉ là nỗi trăn trở của chuyên gia trong nước mà còn cùa chuyên gia nước ngoài. Vì theo báo cáo thống kê đến từ trường Đại học Cần Thơ, lực lượng lao động nông nghiệp tại vùng ĐBSCL hiện có đến 50% ở nông thôn và chỉ có 15% nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo chuyên gia Nguyễn Nguyên Minh, đến từ Tổ chức Khoa học và công nghệ Úc, phát triển bền vững cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật vào quản lý, sản xuất theo dây chuyển an toàn sức khỏe người tiêu dùng; Đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ: "Gần đây, nhà nước đã nêu lên vấn đề nguồn nhân lực, tôi thấy rất là đúng hướng, đây là vấn đề ở nước ngoài họ nhắc rất là nhiều và cố gắng khuyến khích Việt Nam suy nghĩ giải pháp. Có phát triển máy móc những nếu không có nhân lực thì cũng không làm gì được. Con người làm phục vụ con người thì phải chú ý đến nguồn nhân lực. Theo tôi, vấn đề này vẫn cần có một chiến lược phát triển cho đúng, vì khi phát triển đào tạo ra một nguồn nhân lực cho ngành nào đó thì phải nghĩ những chuyện xung quanh, làm sao để nguồn nhân lực đó phát huy được hiệu quả, chẳng hạn có nơi ăn, chốn ở, việc làm ổn định… thì mới giữ chân họ lại được, không bị mai một nhân tài".
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công thương - Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Do vậy, để phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Tăng cường liên kết vùng để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, dung lượng đủ lớn, từ đó hình thành trung tâm sản xuất lớn, đi liền với chế biến sâu cho thị trường trong nước và xuất khẩu; Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; Ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030; Rà soát đánh giá lại các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hạn chế những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.
Tại Diễn đàn quốc tế SDMD năm 2024, đại diện UBND TP. Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài… đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đa phương. Hoạt động minh chứng các tỉnh/thành vùng ĐBSCL đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của địa phương, Từ đó đưa vùng ĐBSCL ngày càng phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.