Người trẻ sống 'xanh'
Vài năm trở lại đây, phong trào sống 'xanh' đã được nhiều trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho sinh viên. Từ những chương trình ngắn hạn, đến nay, không ít hoạt động được duy trì bền bỉ và đạt kết quả khả quan.
Năm học 2024-2025, Đoàn Thanh niên Trường đại học Tài chính-Marketing triển khai chương trình thử thách “7 ngày sống xanh”. Đến thời điểm hiện tại, chương trình thiết thực này đã thu hút hơn 15.000 lượt sinh viên tham gia, nhận về rất nhiều phản hồi tích cực. Để tham gia thử thách, sinh viên cần thực hiện theo yêu cầu mà chương trình đề ra trong suốt một tuần rồi chụp ảnh, đăng tải trên trang cá nhân để lan tỏa thông điệp và kêu gọi bạn bè, người thân cùng thực hiện. Mỗi ngày, sinh viên sẽ chinh phục một thử thách theo các chủ đề khác nhau, từng bước hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Ngày đầu tiên, người tham gia thử thách được yêu cầu phải “nói không” với ly nhựa; đồng thời, chủ động sử dụng bình nước cá nhân khi đi mua nước. Ngày thứ hai, sinh viên được yêu cầu phải tạm biệt túi ni-lông, chuyển sang sử dụng túi vải. Ngày thứ ba, người chơi sẽ trồng một cây xanh bất kỳ. Ngày thứ tư được chọn là thời điểm tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích như đồ trang trí, lọ hoa, hộp bút. Ngày thứ năm của hành trình, người tham gia bắt đầu thử thách sống khỏe bằng việc tập thể dục, thể thao. Tiếp đó, ngày thứ sáu là thử thách di chuyển bằng phương tiện công cộng và ngày thứ bảy là thử thách tiết kiệm nước. Mỗi sinh viên hoàn thành tốt năm trong tổng số bảy thử thách sẽ được ghi nhận sống “xanh”.
Trước đó, trong Ngày hội đoàn viên với chủ đề “Tự hào một dải non sông”, Đoàn Thanh niên Trường đại học Tài chính-Marketing đã thực hiện thiết kế bản đồ Việt Nam với gần 1.000 nút chai nhựa. Hoạt động vừa bồi đắp ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. “Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động sống “xanh” nhằm kích thích sự sáng tạo của sinh viên và khuyến khích các bạn thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng thân thiện với môi trường. Chiến dịch mùa hè xanh cũng lồng ghép nhiều nội dung hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng. Không dừng lại ở dạng phong trào, sau mỗi chương trình, chúng tôi đều đánh giá và rút kinh nghiệm để có thêm những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Tài chính-Marketing cho hay.
Bên cạnh các hoạt động sống “xanh” tại chỗ như hướng dẫn phân loại rác, khuyến khích không dùng rác thải nhựa một lần, tăng cường mảng xanh, mới đây, Đoàn Thanh niên Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an quận Bình Thạnh tổ chức chương trình tình nguyện “Xóa gỡ quảng cáo tín dụng đen, trái quy định”. Sinh viên tham gia chương trình không chỉ bóc gỡ các quảng cáo tín dụng đen và quảng cáo vi phạm quy định mà còn dọn dẹp môi trường chung quanh, làm sạch các khu vực công cộng, góp phần cải thiện mỹ quan đô thị. Sau đợt tình nguyện dọn dẹp tại tuyến đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, trong thời gian tới Đoàn trường sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này tại các khu vực khác trên địa bàn nhằm tạo cơ hội cho các bạn sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện kỹ năng mềm và xây dựng ý thức trách nhiệm đối với xã hội, môi trường.
Là một trong những cơ sở giáo dục tiên phong cho hành trình sống “xanh”, đến thời điểm hiện tại, Trường đại học Mở vẫn duy trì tốt các chương trình tác động tích cực đến ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên. Trong đó, nổi bật là chương trình dọn rác làm sạch bãi biển tại huyện Cần Giờ, đổi rác lấy quà, nói không với rác thải nhựa, tăng cường hoạt động tái chế, trồng cây, tổ chức ngày hội sống “xanh”, gian hàng thân thiện tại các khu dân cư… Đầu năm 2024, nhà trường triển khai chương trình “Giải độc pin cũ” tại bốn cơ sở trường ở Quận 1, Quận 3 và huyện Nhà Bè. Không chỉ thu gom pin cũ, chương trình còn cung cấp kiến thức cần thiết để sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc xử lý loại rác thải này đúng cách.
Đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam phối hợp với đối tác tiến hành lắp đặt máy thu gom và xử lý vỏ chai nhựa, lon nhôm tự động nhằm khuyến khích việc phân loại, xử lý rác tại nguồn của người học. Mới đây, nhà trường đã tổ chức chương trình sinh hoạt công dân chuyên đề “Bảo vệ môi trường và văn hóa sinh viên”, cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích cho giới trẻ về giải pháp cùng lợi ích của việc sống “xanh”, sống tích cực. Mỗi năm, trường còn tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường nhằm khuyến khích sinh viên cung cấp thêm nhiều giải pháp sáng tạo, hướng đến cộng đồng phát triển bền vững, an toàn.
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu xây dựng môi trường sống xanh, hạnh phúc cho sinh viên. Các mục tiêu được cụ thể hóa bằng các hoạt động, phong trào hướng đến cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa của sinh viên. Yếu tố sống “xanh” được khuyến khích triển khai trong mọi hoạt động từ học tập, rèn luyện đến sinh hoạt cá nhân. Theo đó, Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Ký túc xá xanh” gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ tập trung vào việc hình thành “nhận thức xanh” cho tất cả sinh viên. Trung tâm Quản lý ký túc xá đã và đang phát động, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào về vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi ni-lông, hộp xốp…
Khi hình thành “Nhận thức xanh”, sinh viên sẽ bước sang giai đoạn hai của đề án mang tên “Hành động xanh”. Ở giai đoạn này, các bạn được khuyến khích hình thành mảng xanh tại phòng ở, các khu vực công cộng, không gian học tập cộng đồng và khuôn viên ký túc xá theo mục tiêu: “Sạch từ trong ra ngoài, đẹp từ ngoài vào trong”. Kết thúc đề án là giai đoạn “Văn hóa xanh”, để các hoạt động được lan tỏa, duy trì, tạo nên kết quả bền vững, lâu dài.