Người trẻ lan tỏa âm nhạc truyền thống
Giữa dòng chảy sôi động của âm nhạc toàn cầu, khi thị hiếu khán giả liên tục thay đổi và sự pha trộn văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã chọn một hướng đi đầy bản lĩnh: Quay về với âm nhạc truyền thống dân tộc. Họ vừa là người biểu diễn, vừa là những 'sứ giả văn hóa', kiên trì gìn giữ và làm mới di sản cha ông bằng tinh thần sáng tạo hiện đại.

Phương Mỹ Chi táo bạo lồng ghép nghệ thuật hát Bội - Tuồng cổ vào tiết mục “Hề” trong chương trình “Em xinh say hi”
Dù biết rằng con đường này gập ghềnh và ít ánh hào quang, nhưng chính sự dấn thân ấy đang góp phần đưa âm nhạc Việt Nam vượt khỏi biên giới, lan tỏa sâu rộng hơn trên bản đồ văn hóa thế giới.
Không hề lỗi thời
Âm nhạc truyền thống không chỉ là phương tiện giải trí, mà còn là kho tàng di sản văn hóa, kết tinh tinh thần và bản sắc dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh thị trường âm nhạc ngày càng hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ, việc nhiều nghệ sĩ trẻ chủ động “khoác áo mới” cho những làn điệu cổ đã tạo ra làn sóng đầy cảm hứng, thổi bùng sức sống mới cho âm nhạc nước nhà.
Nổi bật trong số đó là Hoàng Thùy Linh - người tiên phong định hình phong cách âm nhạc pha trộn giữa chất liệu dân gian và pop hiện đại qua các ca khúc: Để Mị nói cho mà nghe, See tình, Bo xì bo… Những sản phẩm này không chỉ làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng trong nước mà còn được khán giả quốc tế nồng nhiệt đón nhận, góp phần đưa âm nhạc Việt vươn xa.
Cùng với đó, nghệ sĩ Hà Myo ghi dấu ấn khi kết hợp xẩm, hát xoan, dân ca Mường với rap và điện tử trong loạt ca khúc Xẩm Hà Nội, Trò chơi í a trời cho, Đập nàng khọt… Sự pha trộn độc đáo đã giúp cô định vị bản sắc riêng giữa một thị trường âm nhạc đầy cạnh tranh.
Và mới đây nhất, MV Bắc Bling của Hòa Minzy - với sự tham gia của nghệ sĩ hài Xuân Hinh trong vai trò rapper - tiếp tục tạo tiếng vang lớn khi khéo léo đưa âm hưởng truyền thống Bắc Bộ vào bối cảnh hiện đại đầy sáng tạo.
Đặc biệt, ca sĩ Phương Mỹ Chi, gương mặt trẻ gắn liền với dòng nhạc dân ca, đã có bước chuyển mình đáng chú ý trong chương trình Em xinh say hi. Với tiết mục Hề (tập 4), cô đã táo bạo lồng ghép nghệ thuật hát Bội - Tuồng cổ vào không gian âm nhạc đương đại, mang đến một bản trình diễn vừa mới mẻ, vừa đậm hồn dân tộc.
Điểm đặc biệt làm nên sức nặng văn hóa cho tiết mục là việc thu âm trực tiếp các nhạc cụ truyền thống như đàn cò, đàn sến, đồng lố, kèn sona... từ các nghệ nhân của đoàn Ngọc Khanh.
Chính sự chỉn chu và chân thực đã mang lại cho Hề một “linh hồn âm nhạc” riêng biệt - điều mà những bản nhạc điện tử khó đạt được. Sau phần biểu diễn, Phương Mỹ Chi bày tỏ: “Em mong rằng những gì truyền thống không bị quên lãng, mà sẽ được nhìn nhận lại bằng một cách tươi mới, gần gũi hơn”.
Xúc động trước sự thăng hoa của tiết mục trình diễn, NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ: “Mừng rớt nước mắt khi xem bài Hề của con gái Phương Mỹ Chi. Cảm ơn các con đã chung tay vực dậy nghệ thuật cổ truyền đang dần mai một! Đưa hát Bội đến gần công chúng và giới trẻ nhiều hơn”.
Không dừng lại trong nước, Phương Mỹ Chi tiếp tục lan tỏa âm nhạc truyền thống ra ngoài biên giới. Tại vòng tứ kết Sing! Asia 2025 (Hồng Kông - Trung Quốc), cô thể hiện ca khúc Bóng phù hoa lấy cảm hứng từ Người con gái Nam Xương, kết hợp hát tiếng Trung ở phần điệp khúc và nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, trống cổ truyền.
Phần trình diễn đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả quốc tế. Trước đó, bản mashup Lý Bắc Bộ - Đẩy xe bò của cô cũng gây ấn tượng mạnh khi kết hợp chất dân gian với âm nhạc đương đại, khẳng định nỗ lực bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống theo hướng tiệm cận thời đại.
Sáng tạo phải “tới nơi tới chốn”
Sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc ngày càng được nhìn nhận như một hướng đi tất yếu để tạo ra diện mạo nghệ thuật đương đại đậm bản sắc Việt. Đây không chỉ là cách làm mới tác phẩm, mà còn là con đường giúp âm nhạc Việt Nam từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, hành trình ấy không dành cho sự hời hợt - bởi không phải mọi cuộc pha trộn đều cho ra “chiếc áo” vừa vặn. Để sáng tạo thực sự “tới nơi tới chốn”, nghệ sĩ cần khởi đầu bằng sự hiểu biết sâu sắc và lòng tôn trọng tuyệt đối với các giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc.
Không đơn thuần là “gắn mác truyền thống”, những nghệ sĩ nghiêm túc trong sáng tạo âm nhạc đều hiểu rằng, việc sử dụng chất liệu dân tộc đòi hỏi kiến thức nền tảng vững chắc và tinh thần học hỏi không ngừng.
Như tiết mục Hề gây tiếng vang của Phương Mỹ Chi, quá trình chuẩn bị là cả một hành trình nghiên cứu và chắt lọc. Nhóm sản xuất đã chủ động tham vấn chuyên gia hát Bội - Tuồng cổ, nhằm đảm bảo sự kết hợp mang tinh thần truyền thống chứ không phải sao chép hình thức bề ngoài. “Chúng tôi phải xác định đâu là yếu tố cốt lõi cần giữ, đâu là yếu tố có thể cách tân để không làm mất đi hồn cốt của tuồng”, đại diện ê kíp sáng tạo chia sẻ.
Phương Mỹ Chi cũng là người trực tiếp tham gia viết lời hát. Cô cùng ê kíp còn học online với nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam để rèn luyện kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ, biểu cảm hình thể theo đúng tinh thần tuồng cổ. “Em muốn khi hát lên, khán giả cảm được hồn của tuồng, chứ không phải chỉ là hình thức. Nếu không hiểu, sẽ rất dễ làm sai hoặc trở nên sáo rỗng”, Phương Mỹ Chi tâm sự.
Thực tế cho thấy, khán giả trẻ, đối tượng chính của các sản phẩm âm nhạc đương đại, có xu hướng đón nhận sự mới mẻ, nhưng đôi khi lại ít đặt câu hỏi về giá trị nghệ thuật nằm sâu bên trong.
Điều đó đặt ra một yêu cầu rõ ràng: Nghệ sĩ không chỉ cần sáng tạo, mà còn phải làm sâu, làm đúng và đủ để nuôi dưỡng sự công nhận lâu dài từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng. Chỉ khi sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được thấu hiểu và thể hiện trọn vẹn, thì sản phẩm mới thật sự có “sức sống” và vượt qua được tính thời vụ.
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ cho thấy sự “thổn thức” chân thành với âm nhạc truyền thống. Họ không chọn con đường dễ dàng, mà nỗ lực học hỏi, làm nghề một cách tử tế, nghiêm túc.
Từng sản phẩm chất lượng được ra đời là minh chứng cho tinh thần sáng tạo và là biểu hiện rõ nét cho niềm tin vào một tương lai nghệ thuật Việt Nam đa sắc màu, bền vững và đầy khát vọng.