Người phụ nữ được lấy tên để đặt cho 1 tỉnh vừa nhập vào TPHCM là ai?
Tên của người phụ nữ này đã được đặt cho một phần của vùng đất mà bà đã có công khai phá.
Người phụ nữ đó có tên là Rịa và người dân quen gọi là bà Rịa. Lịch sử không ghi rõ họ của bà, nhưng sau khi được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và ban Sắc phong cho phép bà mang họ nhà Chúa, từ đó bà có tên là Nguyễn Thị Rịa.
Theo tư liệu tại Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Bà Rịa sinh 1665 tại Phú Yên, năm 15 tuổi bà theo gia đình cùng đoàn lưu dân Phú Yên vào Nam lập nghiệp. Nơi đoàn đến là vùng đất rộng lớn phía Nam Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Bà Rịa không có dòng dõi Hoàng tộc, không phải Khai quốc công thần nhưng vì tố chất mạnh mẽ, cương nghị lại quyết đoán nên bà đã trở thành thủ lĩnh, cùng những người lưu dân khai khẩn vùng đất hoang này trở thành những ruộng lúa, vườn cây, làng mạc trù phú.

Bản đồ Bà Rịa thời Pháp thuộc. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu
Đặc biệt, vào năm Mậu Dần (1698), Bà đã huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ khai phá vùng đất này. Với những công trạng to lớn trong việc khai hoang lập ấp, bà đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước, ghi công của bà trong việc khai khẩn mở cõi.

Bức phù điêu nổi bằng đồng khắc họa hình ảnh Bà Rịa cùng người dân khai khẩn. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua 5 đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759, hưởng thọ 94 tuổi. Bà không có con, 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được nhà Nguyễn sung vào công điền chia cho người nghèo. Nhằm khắc ghi công lao của bà, nhân dân địa phương lập khu mộ để thờ cúng và tôn vinh bằng câu đối: “Bà Rịa anh linh di vạn cổ/ Nương nương hiển hách chứng thiên kim”. Phần bia mộ của bà khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”.
"Mộ Bà Rịa năm tại xã Long Điền- TPHCM. Gần mộ bà còn có 1 cây cầu mấy trăm năm tuổi được được đặt tên là Bà Nghè (Tước hàm của bà Rịa)

Bia tưởng niệm Bà Rịa. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu
Suốt mấy trăm năm qua, mộ Bà Rịa luôn được chăm sóc, trùng tu và là điểm đến của nhiều người muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của người phụ nữ đã ghi dấu công lao trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
Tên của Bà đã được đặt cho một phần của vùng đất mà bà đã có công khai phá. (Trước là TP Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nay là phường Bà Rịa thuộc TPHCM)
Chùm ảnh mộ Bà Rịa:

Mộ Bà Rịa. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu

Bàn thờ trong miếu Bà Rịa. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu

Cầu Bà Nghè

Người dân tổ chức Lễ giỗ Bà Rịa. Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu
Năm 2011, mộ Bà Rịa được công nhận là Di tích Lịch sử và Văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức long trọng Lễ giỗ Bà vào ngày 16/6 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bà.