Người Pà Thẻn - Tuyên Quang bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và đan lát

Một trong các làng nghề đặc sắc của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang phải nhắc đến làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát của người dân tộc Pà Thẻn.

Tuyên Quang nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như: Dệt thổ cẩm, nghề thêu, đan lát, chế biến nông lâm sản... các làng nghề đang phát triển và có nhiều khởi sắc, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Tinh hoa nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang, Lâm Bình) có 170 hộ, trong đó có trên 90% số hộ là đồng bào Pà Thẻn. Sống giữa núi rừng trùng điệp, dệt vải, thêu thùa, đan lát là công việc thường ngày của các cô thôn nữ dân tộc Pà Thẻn.

Từ khi còn rất nhỏ, các bé gái đã được mẹ cho làm quen với việc tước lanh, làm sợi… Khi chưa đến tuổi cập kê, các sơn nữ đã rất thạo việc dệt vải, nhuộm màu, trang trí hoa văn cho chiếc khăn, tấm áo.

Quan niệm rằng, cô gái Pà Thẻn nào biết trồng bông, dệt vải, may vá là đánh dấu sự trưởng thành và cô gái đó ắt hẳn sẽ là tiêu điểm của các chàng trai đang tuổi tìm kiếm người nâng khăn sửa túi cho mình, là thước đo để đánh giá tài năng, sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Pà Thẻn.

Những họa tiết tinh xảo đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ trong từng sợi kim mũi chỉ.

Những họa tiết tinh xảo đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ trong từng sợi kim mũi chỉ.

Để có được một bộ trang phục cầu kỳ thì các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu sẽ mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn hoặc váy.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Lý Thị Toàn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) cho biết, bộ trang phục Pà Thẻn cầu kỳ hơn so với những bộ trang phục của người Tày.

Để có thể làm hoàn chỉnh một bộ trang phục phải mất hơn 2 tháng nếu làm liên tục, còn làm tranh thủ phải vài tháng mới xong. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Pà Thẻn sẽ có váy, áo khoác, yếm, mũ đội đầu, dây lưng. Các hoa văn như con chó, con rồng, mắt cua… đều được thêu, dệt thủ công là điểm nhấn của bộ trang phục.

Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.

Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

Học viên thực hành nghề đan lát.

Học viên thực hành nghề đan lát.

Song song với nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát của bà con Pà Thẻn cũng xuất phát từ lâu đời. Trước đây, do nhu cầu sử dụng đồ dùng sinh hoạt của mỗi gia đình nên người dân đã nghĩ ra việc dùng tre đan thành những vật dụng cần thiết, những giỏ đựng đồ dùng,... Dần dần, những vật dụng này được bày bán rộng rãi tại các chợ phiên, trở thành đồ thủ công tinh xảo, được người dân ưa chuộng.

Quyết tâm phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, thời gian qua, UBND xã Hồng Quang đã chú trọng công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát của dân tộc Pà Thẻn, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ma Đình Quan - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho hay: “Xác định, phát triển du lịch là một trong những khâu đột phá của xã, chính vì vậy việc quan tâm dạy nghề cho người dân tộc thiểu số gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là rất thiết thực và phù hợp. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, thu hút khách du lịch đến với địa phương”.

Chính quyền địa phương chú trọng công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát của dân tộc Pà Thẻn

Chính quyền địa phương chú trọng công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát của dân tộc Pà Thẻn

Trong thời gian học tập, các học viên sẽ được các nghệ nhân trong thôn truyền đạt những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về nghề đan lát và dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn.

Với phương pháp học chủ yếu là thực hành và cầm tay chỉ việc nhằm giúp các học viên tham gia học tập sẽ thực hiện thành thạo nghề và cho ra các sản phẩm đẹp, chất lượng tạo ấn tượng với du khách thập phương.

Qua đó tạo ra sản phẩm du lịch riêng có của người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh và đưa Thượng Minh trở thành một địa chỉ được nhiều du khách biết đến với nhiều sản phẩm nghề thủ công truyền thống đậm nét đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn.

"Thật may mắn khi cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, mở ra lớp học nghề truyền thống để những người dân như chúng tôi có cơ hội học hỏi, phát triển kế sinh nhai. Các thầy, cô hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề và cho ra các sản phẩm đẹp, chất lượng, tạo ấn tượng với du khách thập phương. Mong rằng những sản phẩm thủ công truyền thống này sẽ ngày càng được nhiều du khách biết đến", chị Phù Thị Lử - học viên tham gia lớp về nghề đan lát và dệt thổ cẩm cho hay.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-pa-then-tuyen-quang-bao-ton-nghe-det-tho-cam-va-dan-lat-a654122.html
Zalo