Người nghèo Đắk Nông thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi

Vay vốn với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều hộ dân, nhất là hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Gia đình anh Điểu S’róch là một trong số những hộ đặc biệt khó khăn của bon Bu Đắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Hơn 15 năm qua, vợ anh S’róch bị bệnh, mất khả năng lao động nên gánh nặng của gia đình 5 người đổ dồn lên vai người đàn ông hơn 40 tuổi này.

Anh S’róch cho biết, sinh người con đầu xong, vợ anh có những biểu hiện tâm lý bất thường. Bệnh tình của vợ ngày càng nặng sau khi 2 người con khác ra đời, buộc gia đình phải đưa đi điều trị dài ngày tại tỉnh Đồng Nai.

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo bon Jun Júh xã Đức Minh đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo bon Jun Júh xã Đức Minh đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp

Nhớ về thời điểm khó khăn nhất của gia đình, anh S’róch kể: “Sau khi sinh con, vợ tôi không còn tỉnh táo nữa. Có hôm vợ bỏ con ở nhà rồi đi lang thang khắp nơi. Gia đình phải bán đất, vay mượn tiền để cho vợ đi chữa bệnh”.

Từ đầu năm 2023, bệnh tình của vợ có chuyển biến tốt, anh S’róch xin bệnh viện cho vợ về nhà. Sau đó, anh S’róch đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức để mua cây giống, phân bón, đồng thời cải tạo lại 2ha đất rẫy của gia đình với hy vọng sớm có nguồn thu và thoát nghèo.

“Hoàn cảnh nhà tôi rất khó khăn, anh em hàng xóm cũng giúp nhiều nên không dám vay thêm ai. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuy Đức hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn, tôi rất mừng. Từ số tiền được vay, tôi đã mua cà phê giống, phân bón, cải tạo lại gần 2ha đất của gia đình”, anh Điểu S’róch cho hay.

Được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đắk Mil, nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số bon Jun Júh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil đã có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Y Pyum cho biết, nhờ vốn chính sách, bon Jun Júh từng bước thoát khỏi tình trạng bon đặc biệt khó khăn

Ông Y Pyum cho biết, nhờ vốn chính sách, bon Jun Júh từng bước thoát khỏi tình trạng bon đặc biệt khó khăn

Theo Trưởng bon Jun Júh Y Pyum, bon có 370 hộ thì 95% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Là bon đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Mil nên những năm qua đã có rất nhiều hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách.

“Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, dưới sự giám sát của các tổ vay vốn mà công tác giảm nghèo của bon đạt được kết quả khả quan. Trong năm 2023, bon Jun Júh đã giảm được 20 hộ nghèo. Năm 2024, chúng tôi phấn đấu sẽ giảm thêm được khoảng 10 hộ, đưa số hộ nghèo của bon về dưới con số 20”, ông Y Pyum cho hay.

Trong thời gian qua, nhiều chính sách tín dụng cho vay đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Đắk Nông như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm; chăn nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm….

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông, đến nay, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 4.518 tỷ đồng, tăng 2.610 tỷ đồng so với năm 2014. Bình quân tăng trưởng tín dụng chính sách đạt hơn 10%/năm. Toàn tỉnh Đắk Nông có 72.360 hộ, chiếm 42% dân số được vay vốn ưu đãi của Nhà nước.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành đòn bẩy, trợ lực cho công tác giảm nghèo chung thì công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cũng được các đơn vị liên quan tập trung thực hiện.

Ông Đinh Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết, trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay, các thành viên trong tổ vay vốn đều có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nhau để tự tin, mạnh dạn đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với trường hợp đặc biệt khó khăn, cán bộ địa phương sẽ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Đặng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nguoi-ngheo-dak-nong-thoat-ngheo-nho-von-uu-dai-220142.html
Zalo