Người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Từ những cuộn chỉ bình thường qua đôi bàn tay khéo léo của bà Hà Thị Mận ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã dệt nên những chiếc váy thổ cẩm xinh xắn với đường hoa văn tinh xảo.

Bà Hà Thị Mận bên khung cửi dệt thổ cẩm.

Bà Hà Thị Mận nổi tiếng khắp vùng bởi tay nghề dệt điêu luyện, khéo léo. Qua đôi bàn tay của người phụ nữ này, những sợi bông vải đã được kết nối, hóa thân thành một bức tranh đa sắc màu, mang đậm nét đặc trưng của người Thái.

Bà cho biết, ngay từ bé nhìn bà ngoại và mẹ dệt thổ cẩm, bà đã rất thích thú. Rồi mày mò tìm hiểu và được mẹ truyền nghề cho. Theo đồng bào Thái ở bản Bút, trong cuộc sống hằng ngày từ khi là những cô bé 8 đến 9 tuổi, các bà, các mẹ đã dạy cho con học cách nhuộm vải, xe tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm... Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái Thái.

Qua từng động tác cần mẫn thêu dệt của bà Mận mới biết để làm nên một tấm thổ cẩm phải đầu tư công sức thế nào. Mỗi sản phẩm làm ra đều thể hiện tài hoa tinh tế, kỳ công của người dệt. Ngoài ra, họ còn gửi gắm vào đó tình cảm của mình.

Theo bà Mận, trước đây để làm nên một tấm thổ cẩm, người dệt phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị nguyên vật liệu. Từ khi thu hoạch bông đến xe thành sợi rồi nhuộm màu... Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu, những sợi bông mới được đan lên khung. Để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp, đòi hỏi bàn tay khéo léo, thể hiện tâm hồn của người dệt. Công đoạn khó nhất của quá trình này vẫn là kết hợp các hoa văn, họa tiết trên mỗi sản phẩm sao cho hài hòa cân đối.

Không chỉ dệt áo, váy thổ cẩm thông thường, bà còn dệt được cả chăn, gối, nệm ngồi, đệm nằm, túi xách, khăn trải bàn... với những hoa văn tinh tế, đường chỉ căng đều, tạo cho sản phẩm dệt của người Thái thêm rực rỡ, mẫu mã phong phú, nhiều khách du lịch ưa thích.

Với mong muốn truyền dạy cho lớp trẻ hiểu và biết quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, bà luôn sẵn sàng chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm với phụ nữ trong bản về phương pháp, cách làm thế nào để dệt nên chiếc váy, tấm chăn đầy màu sắc...

Em Hà Thị Hoa ở bản Bút chia sẻ: “Tuy lúc mới làm rất đau lưng, mỏi cổ, nhưng khi mình tự làm ra được những bộ đồ thổ cẩm cho gia đình, em thấy hạnh phúc. Khi rỗi em thường qua nhờ bà Mận chỉ bảo thêm”.

Ở bản Bút bây giờ, ban ngày đi làm, tối đến các bà, các chị lại ngồi bên khung dệt làm ra những sản phẩm tinh tế.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để bản Bút duy trì nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo việc làm tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống của người lao động.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa Lương Thị Hồng Nhung cho biết: “Để nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút duy trì, phát triển, huyện đang làm các hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thẩm định, công nhận làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, kèm cặp tại nơi sản xuất cho người lao động chưa có nghề.

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nguoi-nang-long-voi-nghe-nbsp-det-tho-cam-truyen-thong/195686.htm
Zalo