Người mù hòa nhập 'thế giới phẳng'

HNN - Được sử dụng đúng cách, công nghệ số mang hy vọng sẽ trở thành 'đôi mắt' giúp người mù hòa nhập với cuộc sống hiện đại, đem lại nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng cho công việc và học tập.

 Anh Vũ Văn Tuấn sử dụng thành thạo máy tính xách tay để phục vụ công việc

Anh Vũ Văn Tuấn sử dụng thành thạo máy tính xách tay để phục vụ công việc

Anh Lê Đăng Kiệt, thực tập nghề massage tại cơ sở massage “Niềm tin”, thuộc Hội Người mù thành phố Huế, thành thục lướt nhẹ những ngón tay linh hoạt trên màn hình chiếc điện thoại thông minh để tra cứu các tài liệu liên quan đến ngành học. Anh Kiệt hào hứng: “Sau khi tham gia các khóa phổ cập công nghệ thông tin, công nghệ AI, đồng thời được Hội trang bị điện thoại thông minh, tôi ngày càng thành thạo hơn trong việc tiếp cận nguồn thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế khi nhiều ứng dụng chưa hỗ trợ sử dụng tiếng Việt hoặc sử dụng giọng nói”.

Trong khuôn khổ dự án “Khảo sát xác minh phổ biến Trung tâm Giáo dục Công nghệ Thông tin nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của người khiếm thị” do tổ chức Jica - Nhật Bản tài trợ từ năm 2017, Hội Người mù thành phố Huế đã nhận được các loại máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nhằm phục vụ công tác phổ cập công nghệ thông tin cho người mù trên địa bàn thành phố. “Trước đây, công nghệ thông tin đối với hội viên người mù dường như rất xa vời, như là một phép màu và không ai dám nghĩ có ngày có thể tự tin cầm chiếc điện thoại thông minh, hay sử dụng máy tính để hòa nhập vào ‘thế giới phẳng’ như bây giờ”, anh Vũ Văn Tuấn, Phụ trách Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố chia sẻ.

Khi công nghệ thông tin được phổ cập, hội viên người mù mới nhận ra rằng, họ có thể sử dụng máy tính như người sáng mắt, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ học tập, làm việc hiệu quả hơn. Đặc biệt, mọi người có thể dễ dàng liên lạc với người thân ở xa thông qua các ứng dụng mạng xã hội phổ biến. Máy tính được cài đặt phần mềm chuyên dụng giúp đọc màn hình, cho phép người mù sử dụng đầy đủ các chức năng. Anh Nguyễn Viết Thương là một trong những “trái ngọt” của chương trình phổ cập công nghệ thông tin của Hội, khi đã giành giải Nhì cuộc thi Liên hoan Tin học toàn quốc dành cho người khiếm thị năm 2017.

Việc sử dụng điện thoại thông minh có phần đơn giản hơn nhiều. Hiện nay, các điện thoại thông minh đều có một phần mềm kèm theo nằm trong mục hỗ trợ ở phần cài đặt, khi chạy ứng dụng này, người mù chỉ việc rà các ngón tay trên màn hình, khi dừng lâu tại ứng dụng nào, phần mềm này sẽ đọc tên ứng dụng đó. Nếu muốn mở ứng dụng này, chỉ cần nhấn nhanh hai lần, phần mềm sẽ khởi động. Nếu muốn di chuyển các mục thì chỉ cần vuốt ngón tay qua phải hoặc trái trên màn hình.

Ngoài ra, các phần mềm có trợ lý ảo và sự bùng nổ của công nghệ AI giúp người mù có thể ra câu lệnh cho điện thoại bằng giọng nói, như: gọi điện, tìm kiếm, mở nhạc, tham gia mạng xã hội... Nhiều hội viên đã biết sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả cho công việc. Một số bạn trẻ còn biết tận dụng AI để viết nhạc với mục đích giải trí, nâng cao đời sống cảm xúc. Các ứng dụng dịch thuật còn giúp người mù có thể giao tiếp, trao đổi, học hỏi với người nước ngoài.

“Tôi ấn tượng với hình ảnh các cô chú lớn tuổi, dù ở xa vẫn “bắt xe thồ” để đi học. Do tuổi tác và hạn chế về vận động, các cô chú học chậm hơn, nhưng mỗi tối vẫn gọi thầy để được giảng kỹ hơn và kiên trì luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn. Sau khóa học, nhiều người còn nhờ thầy hướng dẫn để ‘nâng trình’ thêm”, anh Vũ Văn Tuấn nhớ lại những kỷ niệm cùng học viên. Dẫu vậy, anh vẫn trăn trở là làm sao để tất cả các hội viên người mù đều có thể có thiết bị thông minh, hòa nhập cuộc sống hiện đại trong bối cảnh công nghệ thông tin đang bùng nổ.

Bài, ảnh: PHƯỚC LY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/nguoi-mu-hoa-nhap-the-gioi-phang-155627.html
Zalo