Người lao động được tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép
Thời điểm trả lương cho người lao động là do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi chưa tới kỳ trả lương thì người lao động vẫn có thể tạm ứng tiền lương để phục vụ cho các nhu cầu của bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Thanh Trì, TP Hà Nội) có hỏi về việc: Công ty trả lương vào ngày 15 hàng tháng, nhưng mùng 10 tôi xin nghỉ phép 5 ngày để giải quyết công việc gia đình và rất cần có một khoản tiền để trang trải. Vậy tôi có thể xin tạm ứng tiền lương được hay không và mức tạm ứng là bao nhiêu?
Về nội dung chị Nguyễn Thị Thanh hỏi, Sở Nội vụ Hà Nội trả lời như sau: Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định Kỳ hạn trả lương, nêu rõ:
+ Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
+ Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
+ Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Người lao động được tạm ứng tiền lương trong thời gian nghỉ hàng năm. Ảnh minh họa.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi chưa tới kỳ trả lương thì người lao động vẫn có thể tạm ứng tiền lương để phục vụ cho các nhu cầu của bản thân và gia đình.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được tạm ứng tiền lương trong từng trường hợp sau:
Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện kinh tế do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Người lao động được tạm ứng tiền lương trong thời gian tạm nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên.
Người lao động được tạm ứng tiền lương trong thời gian nghỉ hàng năm.
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên, nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương.
Với từng trường hợp cụ thể, mức tiền lương tạm ứng và thời gian tạm ứng lương sẽ có quy định khác nhau.
Các cứ vào các Điều 97, 101, 113 của Bộ luật Lao động năm 2019, mức tiền lương tạm ứng và thời gian tạm ứng lương tối đa của người lao động trong từng trường hợp như sau:
Trường hợp ứng lương theo thỏa thuận: Điều kiện ứng lương, mức tiền lương tạm ứng và thời gian tạm ứng lương do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau. Người sử dụng lao động không được tính lãi đối với số tiền lương mà người lao động tạm ứng theo thỏa thuận.
Trường hợp trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên: Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Trường hợp ứng lương trong thời gian nghỉ hàng năm: Khi nghỉ hàng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Trường hợp hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán nhưng công việc phải làm trong nhiều tháng: Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Đối với người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Với những quy định trên, áp dụng với trường hợp chị Thanh nghỉ kỳ nghỉ hàng năm thì được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.