Người kể chuyện bản Dỗi
HNN - Nép mình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, bản Dỗi (xã Khe Tre) như một thung lũng xanh mướt yên bình. Nơi ấy, có một người con gái Cơ Tu ngày ngày lặng lẽ kể chuyện bản làng mình bằng tất cả niềm tự hào với văn hóa cội nguồn.

Hồ Thị Non tập luyện những bài ca của bản làng, để giới thiệu đến du khách
Chúng tôi gặp Hồ Thị Non (sinh năm 1994) vào một buổi trưa muộn trong chuyến ghé thăm bản Dỗi. Cô gái Cơ Tu đón khách bằng nụ cười rạng rỡ như nắng đầu hè. Giữa không gian nhà gươl, nơi vẫn thường vang vọng tiếng cồng chiêng trong mỗi mùa lễ hội, Non kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của bản làng mình, mộc mạc mà lôi cuốn như ngọn gió nơi đại ngàn.
Từ thuở bé, cô đã ấp ủ ước mơ trở thành hướng dẫn viên, được giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với du khách thập phương. “Lúc đó, mình chỉ mới sáu, bảy tuổi. Có lần, bản đón đoàn khách từ Nhật Bản đến thăm. Nhìn hướng dẫn viên đứng trước sân nhà gươl giới thiệu về bản, mình chợt mơ một ngày được kể với mọi người về văn hóa của cha ông”, Non kể.
Thế nhưng, ước mơ ấy từng bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh. Nhiều năm làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Non vẫn đau đáu nỗi nhớ bản, nhớ tiếng giã gạo lúc chiều muộn, nhớ khung cửi kẽo kẹt những đêm khuya. Cô quyết định trở về, đúng lúc “làn gió” du lịch bắt đầu “thổi” về bản Dỗi.

Non (giữa) giới thiệu vẻ đẹp của bản Dỗi
Bản sửa sang lại nhà truyền thống, bà con nhóm bếp lửa, sửa soạn đón khách đường xa. “Người Cơ Tu mình quý khách lắm, nhưng vốn sống khép kín, ít nói. Mình đi xa về, cũng tự tin hơn, nên xung phong làm cầu nối. Vừa là người dẫn đường, vừa là người kể chuyện, để văn hóa Cơ Tu được kể bằng chính giọng nói, trái tim của người trong cuộc”, Non nói, giọng pha lẫn niềm tự hào.
Dẫn khách đi qua những nếp nhà sàn, dừng chân bên suối Kazan, Non kể lại truyền thuyết về cô gái đợi người yêu mãi không về, cuối cùng hóa thành dòng suối mát lành tưới tắm ruộng đồng. Những câu chuyện ấy, Non kể bằng chất giọng chan chứa yêu thương, như thể đang đưa du khách chạm vào nhịp thở sâu thẳm của rừng già, của những dấu chân người xưa in trên núi đá.
Nhờ kiên trì học hỏi và tham gia nhiều lớp tập huấn, từng đến làng du lịch Đại Bình, Tân Thành, Trà Quế (Quảng Nam cũ) hay Đồng Mô (Hà Nội), Non tự tin khi kể chuyện bản làng mình. “Văn hóa Cơ Tu đã thấm đẫm trong trái tim của Non nên khi kể cho khách nghe, mọi thứ như tuôn ra một cách tự nhiên, như nước đầu nguồn chảy về nuôi đồng ruộng mình vậy”, chị A Lăng Thị Bé, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Dỗi nói về Non bằng giọng trìu mến.
Làm hướng dẫn viên của bản, đón không biết bao nhiêu khách đến thăm, nhưng Non nhớ mãi lần đón đoàn gần 100 khách từ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Trời hôm đó đang nắng bỗng đổ mưa xối xả. Cả bản hối hả dựng dù che sân, chuẩn bị bữa cơm trưa. Khách xuýt xoa khen mãi món cơm lam, thịt gác bếp, cháo tà lục tà lào, các món rau rừng xào nấu trên bếp củi đượm thơm mùi khói. “Họ nói món ăn đậm vị núi rừng, rất ngon. Mình vui lắm, vì đó là hương vị của quê hương, do chính tay bà con nấu, chứa chan tình cảm bản làng”, Non kể với chất giọng đầy ắp niềm vui.
Du lịch cộng đồng nơi bản Dỗi vẫn còn non trẻ, chưa được nhiều người biết đến, thu nhập cũng chưa ổn định. Vì vậy, Non vừa nấu ăn cho homestay, vừa tham gia quảng bá sản phẩm địa phương tại các chợ phiên. Nhưng giữa nhịp sống bận rộn ấy, cô vẫn giữ trọn niềm say mê. Mỗi lần được đón bước chân người lạ về bản, được kể chuyện bản làng mình, được nhìn ánh mắt thích thú của du khách khi nghe tiếng chiêng, tiếng trống, thưởng thức món ăn dân dã của núi rừng, niềm tin trong cô lại lớn dần.
Non luôn tin một ngày không xa, bản Dỗi sẽ trở thành điểm đến được mọi người yêu thích, là nơi dừng chân thân thuộc của nhiều người. Nơi mà văn hóa Cơ Tu không chỉ được gìn giữ mà còn tỏa hương theo gió núi, theo bước chân khách phương xa, lan xa đến những miền đất lạ.