Người giàu Ấn Độ di cư ra nước ngoài vẫn đầu tư mạnh về nước
Các quyết định của những người giàu Ấn Độ thường xuất phát từ tư duy thế hệ dài hạn.

Nhân viên kiểm đồng USD tại một ngân hàng. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cuộc khảo sát gần đây do công ty quản lý tài sản Kotak Private thực hiện, phối hợp với công ty tư vấn EY, cho thấy cứ năm người trong số 150 người có giá trị tài sản ròng cực cao được khảo sát thì có một người có kế hoạch di cư khỏi nhưng vẫn giữ quốc tịch Ấn Độ.
Đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính Client Associates, Himanshu Kohli, cho biết, đó là xu hướng diễn ra khi những người Ấn Độ giàu có đang cân nhắc các nơi cư trú khác vì mục đích chiến lược, thay vì tái định cư vĩnh viễn.
Ông Kohli nói các quyết định của những người giàu Ấn Độ thường xuất phát từ tư duy thế hệ dài hạn. Đó không phải là việc từ bỏ Ấn Độ mà là việc mở rộng dấu ấn cá nhân và đảm bảo các gia đình có những lựa chọn toàn cầu trong một thế giới ngày càng kết nối. Ông cho biết thêm rằng nhiều người vẫn đầu tư vào Ấn Độ thông qua các công ty khởi nghiệp và bất động sản.
Ngoài Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), một số quốc gia như Singapore, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ đã triển khai các sáng kiến hấp dẫn để thu hút giới nhà giàu. Những sáng kiến này bao gồm mức thuế suất thấp hơn đáng kể, thuận lợi hơn so với Ấn Độ. Chẳng hạn như UAE miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập từ vốn và thuế thừa kế.
Ngược lại, Ấn Độ áp dụng cơ cấu thuế thu nhập lũy tiến, có nghĩa những cá nhân có thu nhập khoảng 1,2 triệu rupee Ấn Độ (13.868 USD) sẽ phải chịu mức thuế 15% và thuế sẽ tăng dần theo bậc thu nhập. Ấn Độ áp dụng mức thuế 12,5% đối với hầu hết các khoản lãi vốn dài hạn.
Cơ cấu thuế cao hơn của Ấn Độ so với các quốc gia khác đã dẫn đến nhận thức rằng người giàu đang di cư để trốn thuế. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Wrise Wealth Management Middle East, Dhruba Jyoti Sengupta, nói rằng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Các chính sách của Ấn Độ tập trung vào quản lý tài sản trong nước hơn là xây dựng các chiến lược hướng đến toàn cầu.
Báo cáo về di cư tài sản và đầu tư của Henley & Partners dự báo Ấn Độ sẽ mất khoảng 3.500 triệu phú trong năm nay. Các ước tính này dựa trên số liệu về những cá nhân cư trú tại quốc gia mới trong hơn sáu tháng và không bao gồm những người có được quyền cư trú nhưng không di dời. Theo số liệu của Henley & Partners, mặc dù Ấn Độ nằm trong số những quốc gia hàng đầu về di cư của triệu phú, nhưng số lượng người di cư dự kiến đã giảm trong hai năm qua.
Người sáng lập công ty đầu tư Negen Capital, Neil Bahal cho rằng điều đó phần lớn là nhờ ngày càng có nhiều người ở lại để tích lũy tài sản và nắm bắt sự tăng trưởng theo cấp số nhân của đất nước. Ấn Độ đang phải đứng trước sức tiêu thụ mạnh mẽ từ dân số đông đảo, vì vậy nhiều triệu phú muốn tiếp cận nguồn tài nguyên này. Chỉ những người đang trong giai đoạn nghỉ hưu hoặc muốn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài mới di cư.
Ông Bahal cũng tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ chứng kiến sự gia tăng trở lại của giới nhà giàu trong những năm tới, nhờ vào tốc độ tăng trưởng vượt bậc của quốc gia này. Hiện tại, nhiều người vẫn lạc quan về Ấn Độ và phân bổ khoảng 60% đến 65% khoản đầu tư của họ vào thị trường trong nước, với hy vọng thu được lợi nhuận gấp nhiều lần.
Mặc dù không có định nghĩa cố định nào về việc ai được coi là "giàu", ngưỡng được chấp nhận rộng rãi đối với những cá nhân thuộc nhóm có giá trị tài sản ròng cao là từ 50-250 triệu rupee Ấn Độ, trong khi những người có tài sản ròng trên 250 triệu rupee Ấn Độ được coi là có giá trị tài sản ròng cực cao. Những cá nhân giàu có là những người có giá trị tài sản ròng từ 10 đến 50 triệu rupee Ấn Độ.
Theo báo cáo gần đây của Knight Frank, Ấn Độ có 85.698 cá nhân có tài sản trên 10 triệu USD. Con số này chiếm 3,7% dân số toàn cầu sở hữu khối tài sản ròng ở mức đó, cao hơn 2,4% của Vương quốc Anh, nhưng thấp hơn 20,1% của Trung Quốc.