Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập
Sau ngày 1/7/2025 thời điểm chính thức thành lập tỉnh Lào Cai mới trên cơ sở sáp nhập Lào Cai và Yên Bái, bộ máy chính quyền hai cấp đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Một trong những lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm là quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Thực tế tại các cơ sở y tế cho thấy, công tác KCB diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đến khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế khu vực Trấn Yên ngày 3/7.
Sáng ngày 3/7, tại khu vực đón tiếp của Trung tâm Y tế khu vực Trấn Yên, bà Lê Thị Nguyên ở xã Trấn Yên vui vẻ cho biết: “Tỉnh đổi tên, xã thì sáp nhập rộng hơn, không còn huyện nữa tôi lo không biết thẻ BHYT có dùng được nữa không vì trước đây tôi ở xã Tân Đồng giờ sáp nhập mấy xã vào lấy tên xã Trấn Yên. Nhưng đến đây, các cô y tá vẫn đón tiếp như mọi lần, không yêu cầu thay thẻ gì cả. Mọi quyền lợi vẫn như cũ, tôi thấy yên tâm lắm!”
Không riêng bà Nguyên, nhiều người dân ở các xã trước đây thuộc tỉnh Yên Bái cũ cũng có chung tâm trạng. Việc thẻ BHYT cũ vẫn tiếp tục được sử dụng bình thường, không gây phiền hà hay yêu cầu thay đổi thông tin, đã giúp người dân không bị xáo trộn khi đến KCB. Đặc biệt hiện nay thẻ BHYT đã được tích hợp trên căn cước công dân nên mọi thông tin sau khi sáp nhập tỉnh đã được thay đổi.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng ở phường Yên Bái cho biết: “Mọi lo lắng của tôi về thay đổi địa giới hành chính trước khi đến Bệnh viện Đa khoa khám bệnh đã được xóa tan khi y tá quét căn cước công dân của tôi. Mọi thông tin đã được thay đổi theo địa giới hành chính mới, việc khám bệnh của tôi không bị ảnh hưởng gì”.
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến khu vực trong tỉnh Lào Cai, không khí làm việc vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có phần chủ động và chuyên nghiệp hơn nhờ hệ thống quản lý BHYT đã được số hóa và liên thông trên toàn quốc. Chị Đỗ Thị Hồng Nhung - Điều dưỡng, Trưởng khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế khu vực Trấn Yên cho biết: “Chúng tôi không gặp trở ngại nào trong tiếp nhận bệnh nhân BHYT kể từ sau ngày 1/7. Dữ liệu bệnh nhân, mã định danh bảo hiểm, hồ sơ điện tử đều được liên thông qua hệ thống của BHXH Việt Nam. Bệnh nhân chỉ cần mang thẻ hoặc CCCD có đăng ký BHYT là có thể sử dụng dịch vụ.”

Người dân được đón tiếp tận tình khi đến Trung tâm Y tế khu vực Yên Bình khám chữa bệnh.
Theo chị Nhung, các thủ tục thanh toán, giám định BHYT cũng đang được thực hiện qua nền tảng số, giảm áp lực giấy tờ cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn sắp xếp lại địa giới hành chính, giúp tránh những rắc rối về mặt kỹ thuật và pháp lý.
Không chỉ vậy, BHXH khu vực XVII còn phân công cán bộ trực tiếp phối hợp tại các cơ sở y tế có thay đổi lớn về tổ chức, đảm bảo việc KCB không bị gián đoạn. Công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT quý II đã và đang được thực hiện đúng tiến độ.
Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc BHXH khu vực XVII, khẳng định: “Chúng tôi đặt người dân là trung tâm, dù sáp nhập hành chính nhưng không được để bất kỳ người dân nào bị gián đoạn quyền lợi BHYT. Đến nay, toàn bộ hệ thống đã vận hành thông suốt, đảm bảo tính kế thừa của các hợp đồng cũ và nhanh chóng điều chỉnh phù hợp với tổ chức mới”.
BHXH Khu vực XVII cũng đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT chốt số liệu, tổ chức giám định và thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT quý II/2025 và thực hiện tạm ứng chi phí KCB BHYT quý III/2025 theo quy định.
Cùng với đó, BHXH khu vực XVII và Sở Y tế tỉnh đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định BHYT. Theo hướng dẫn tại Công văn số 4040/BYT-BH của Bộ Y tế, kể từ 00 giờ ngày 28/6/2025, Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận hồ sơ KCB đã được ký số. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác thanh quyết toán chi phí KCB.
Trên cơ sở đó, ngành y tế được yêu cầu đôn đốc các cơ sở KCB triển khai đầy đủ bệnh án điện tử theo Thông tư số 13/2025/TT-BYT, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% trong tháng 9/2025. Nhờ đó, không ít người dân nhận thấy chất lượng dịch vụ y tế đang được cải thiện rõ rệt. Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình tiếp nhận, khám, điều trị và thanh toán BHYT trở nên nhanh gọn hơn.

Nhân viên Trung tâm Y tế khu vực Yên Bình thực hiện công việc chuyên môn.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Mậu A chia sẻ: “Trước kia mỗi lần đi khám tôi phải mang theo giấy tờ, ghi lại đơn thuốc, giờ bác sĩ chỉ cần mở máy là biết tôi từng điều trị gì, có bệnh nền gì. Tôi lớn tuổi rồi, nên thế này là đỡ lo nhất”.
Nhiều cơ sở y tế cũng bắt đầu thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ thông qua mã QR và khảo sát điện tử, giúp tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch trong phục vụ người bệnh BHYT.
Có thể thấy, sau khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức hoạt động tại tỉnh Lào Cai, người dân không chỉ không bị ảnh hưởng quyền lợi BHYT mà còn được phục vụ trong môi trường y tế chuyên nghiệp, hiện đại và thuận tiện hơn. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính không làm gián đoạn hệ thống an sinh xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực BHYT là minh chứng rõ ràng cho sự chủ động, trách nhiệm và đồng bộ trong chỉ đạo, vận hành của các cơ quan chức năng.