Người dân trở thành 'nhà sản xuất điện mini' nhờ điện mặt trời áp mái
Giữa bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đang tìm đến giải pháp điện mặt trời mái nhà - mô hình điện tự sản tự tiêu. Không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng, điện mái nhà còn là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển năng lượng bền vững, giảm tải áp lực cho lưới điện quốc gia.

Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà phục vụ cho chính nhu cầu tiêu dùng tự sản, tự tiêu đang tăng mạnh
Điện mặt trời trên từng mái nhà
Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải, chủ một hộ kinh doanh tại Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn vào hóa đơn tiền điện của gia đình. “Trước đây, mỗi tháng nhà tôi mất hơn 4-5 triệu đồng tiền điện do dùng điều hòa, thiết bị làm lạnh cho cửa hàng. Từ khi lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà hơn một năm nay, hóa đơn giảm chỉ còn hơn một nửa”, bà Hải chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Tuấn Minh, trú tại Cầu Giấy cho biết anh đầu tư gần 100 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời 5 kWp vào giữa năm ngoái. “Tôi tính kỹ rồi. Hàng tháng tiết kiệm được khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng tiền điện, hơn 5 năm là thu hồi vốn. Sau đó gần như dùng điện miễn phí, rất có lợi”, ông Minh nhẩm tính.
Thực tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà phục vụ cho chính nhu cầu tiêu dùng tự sản, tự tiêu đang tăng mạnh. Đây được xem là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang và nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn.
Doanh nghiệp cũng “lên mái”
Không chỉ hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong các khu công nghiệp cũng đang chạy đua đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm giảm chi phí vận hành, nâng cao điểm đánh giá ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Tại KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng, Công ty Cổ phần Shinec đã hợp tác với đối tác Shire Oak International phát triển và khai thác điện năng từ các dự án điện mặt trời áp mái từ năm 2020, đồng thời đầu tư hệ thống pin trữ năng lượng để thu giữ năng lượng trong giờ thấp điểm, cải tạo và đồng bộ hóa hệ thống truyền dẫn điện giữa điện lưới và điện năng lượng tái tạo để dần dần nâng cao tỉ trọng của điện năng lượng tái tạo lên 100%. Trong tương lai, Shinec sẽ nhân rộng mô hình này cho các khu, cụm công nghiệp khác, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải carbon theo định hướng và chương trình trung hòa carbon tại Việt Nam đến năm 2050.

KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng đi tiên phong lắp đặt điện mặt trời
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng điện tự sản tự tiêu là bước đi cần thiết để bắt kịp tiêu chuẩn “carbon thấp” trong xuất khẩu, là bước chuẩn bị trước nguy cơ bị đánh thuế carbon khi xuất khẩu sang EU, Mỹ.
Để hiểu rõ hơn về khả năng đầu tư điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình, doanh nghiệp, PetroTimes đã liên hệ với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang - một trong những nhà cung cấp hệ thống lắp đặt điện năng lượng mặt và được cho biết, mỗi gói giải pháp năng lượng mặt trời áp mái sẽ được tính toán linh hoạt theo công suất từ 5,28 kWp - 10,56 kWp, hoặc có thể tùy chỉnh theo nhu cầu sử dụng thực tế của từng hộ gia đình hay văn phòng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư chính là mức tiền điện hiện tại hoặc sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng.
Cụ thể, nếu tiền điện trung bình mỗi tháng dưới 2,5 triệu đồng, việc đầu tư điện mặt trời áp mái chưa thực sự kinh tế. Thời gian thu hồi vốn kéo dài và mức tiết kiệm không đáng kể. Trong trường hợp này, Điện Quang khuyến nghị người dân nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư. Nếu tiền điện trung bình từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên, đây là điều kiện lý tưởng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Gói cơ bản 5,28 kWp có thể đáp ứng tốt nhu cầu của gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả.
Với chi phí đầu tư hiện nay khoảng 20 - 22 triệu đồng/kWp, một hệ thống 5,28 kWp sẽ cần khoảng 105 - 115 triệu đồng. Trung bình, hệ thống này có thể tạo ra khoảng 20 kWh/ngày, tương đương tiết kiệm từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng, giúp thu hồi vốn sau 4 - 5 năm. Sau thời gian này, phần điện sử dụng hằng ngày được xem là “miễn phí”.
Ngoài ra, với những hộ có mức tiêu thụ điện cao hơn như nhà biệt thự, hộ kinh doanh lớn, văn phòng sử dụng điều hòa cả ngày, công ty này khuyến nghị gói 10,56 kWp, tạo ra trung bình 42,24 kWh/ngày, phù hợp với hệ thống điện 3 pha. Gói này còn tích hợp bộ lưu trữ 10 kWh, cho phép dùng điện vào ban đêm, tăng tính chủ động và độc lập với lưới điện.
Với chi phí đầu tư khoảng 105 - 115 triệu đồng, trung bình, hệ thống điện mặt trời áp mái có thể tiết kiệm từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Lợi ích kép: Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Người dân hiện nay không chỉ quan tâm tới giảm chi phí mà còn thấy rõ giá trị môi trường. Một hệ thống điện mặt trời mái nhà 5 kWp có thể giúp giảm khoảng 5 tấn CO₂ mỗi năm, tương đương trồng hàng trăm cây xanh. Ngoài lợi ích tài chính, hệ thống điện mặt trời mái nhà còn góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào giờ cao điểm.
Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng dưới góc độ thương mại và phát triển năng lượng, việc khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản tự tiêu là hướng đi rất đúng. Chủ trương này bám sát tinh thần của Nghị quyết 55 về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII và Luật Điện lực (sửa đổi) đều đang thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch truyền thống”.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, mô hình tự sản tự tiêu nếu được mở rộng đúng cách sẽ góp phần quan trọng trong tái cấu trúc thị trường năng lượng, giảm phát thải ròng và tận dụng tối đa tiềm năng năng lượng thiên nhiên. Đặc biệt, sự tham gia chủ động của người dân và doanh nghiệp sẽ giúp hình thành một thị trường thiết bị, dịch vụ năng lượng mặt trời trong nước.
“Không chỉ là chuyện tiết kiệm chi phí điện cho từng hộ, điện mặt trời tự sản tự tiêu còn mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp sản xuất, khai thác, lắp đặt các thiết bị liên quan. Nếu không vướng rào cản kỹ thuật hay công nghệ, quá trình này hoàn toàn có thể được đẩy nhanh hơn nữa, phù hợp với xu hướng năng lượng phân tán đang diễn ra trên toàn cầu”.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)
Dù chưa có báo cáo thống kê toàn diện, theo ông Lạng, những phản ánh từ thực tế sử dụng của nhiều hộ gia đình trong thời gian qua là khá tích cực: mức đầu tư không quá cao, chi phí điện giảm đáng kể, góp phần giảm áp lực cho lưới điện quốc gia và thân thiện với môi trường.
Trước làn sóng quan tâm mạnh mẽ của người dân, Chính phủ và Bộ Công Thương đang hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sản tự tiêu.
Trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, điện mặt trời mái nhà được xếp vào nhóm năng lượng phân tán cần được ưu tiên phát triển. Tiếp đó, Quy hoạch điện VIII cũng khẳng định thúc đẩy mạnh mẽ điện mặt trời mái nhà tự tiêu dùng, nhất là tại các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Một số rào cản
Dù tiềm năng lớn, thị trường điện mặt trời tự sản tự tiêu vẫn đối mặt với một số thách thức: Thiếu khung pháp lý rõ ràng: Nhiều hộ dân phản ánh chưa biết rõ cơ chế xử lý phần điện dư thừa. Chi phí đầu tư ban đầu còn cao, dù đã giảm nhiều so với trước, mức đầu tư từ 60-100 triệu đồng vẫn là con số không nhỏ với các hộ thu nhập thấp. Giải pháp tín dụng xanh chưa được phổ biến. Thiếu chính sách hỗ trợ bảo trì, bảo hiểm do hệ thống điện mặt trời hoạt động ngoài trời, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Nhiều hộ dân lo lắng về tuổi thọ và độ ổn định của hệ thống nếu không được bảo dưỡng định kỳ.
Để thúc đẩy mạnh hơn mô hình điện mặt trời tự sản tự tiêu, các chuyên gia cho rằng cần: Sớm ban hành cơ chế rõ ràng về điện dư thừa: Cho phép lưu trữ hoặc bán lại với giá hợp lý, hoặc tạo sàn giao dịch điện tái tạo nội bộ; Phát triển tín dụng xanh: Các ngân hàng cần có gói vay ưu đãi cho lắp đặt điện mái nhà, kết hợp các doanh nghiệp cung ứng để tạo chuỗi giá trị trọn gói; Đẩy mạnh truyền thông và tư vấn kỹ thuật: Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin đúng đắn, tránh lắp đặt sai kỹ thuật hoặc bị "thổi giá" hệ thống; Ứng dụng công nghệ lưu trữ: Khuyến khích tích hợp pin lưu trữ để tăng khả năng sử dụng điện vào ban đêm hoặc khi mất điện.
Khi lưới điện quốc gia ngày càng chịu áp lực, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân không ngừng tăng, thì mô hình điện mặt trời mái nhà - tự sản, tự tiêu - chính là lời giải tiết kiệm, chủ động và bền vững.