Người dân tộc thiểu số giữ gìn tiếng mẹ đẻ

Xu thế hội nhập, các dân tộc sinh sống đan xen, sử dụng ngôn ngữ phổ thông. Nhiều dân tộc ít người hơn 'ngại' giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Trong gia đình: Ông bà, cha mẹ ít nói tiếng dân tộc mình. Trẻ em đến trường ngoài học tiếng phổ thông còn nỗ lực học thêm ít nhất là một ngoại ngữ. Tiếng mẹ đẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số vì thế ngày càng mai một.

Đến trường, con em đồng bào các dân tộc thiểu số học tập bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt) - Ảnh chụp tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên.

Đến trường, con em đồng bào các dân tộc thiểu số học tập bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt) - Ảnh chụp tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên.

Thiếu môi trường sử dụng tiếng mẹ đẻ

Tôi thường đến các phiên chợ vùng cao của xã Lam Vĩ, Thần Sa, Nghinh Tường, ngồi trong lán chợ uống bát rượu ngô cùng “trai rừng”, nghe ríu ran trò chuyện việc lấy măng, bắt cá suối. Thú vị nhất là nghe câu được câu mất vì các “trai rừng” nói với nhau bằng tiếng dân tộc mình.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước đây. Thời cơ chế thị trường được số hóa, đồng bào ở trên các lũng núi cũng có thể mua hàng bằng một cú nhấp chuột, shipper mang đến giao tận tay. Song không vì thế chợ phiên mất đi. Chợ vẫn duy trì hội họp, các “trai rừng” tôi gặp năm nào nay đã lên "chức" ông bà. Lớp “trai rừng” mới năng động hơn, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng phổ thông.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nông Đình Long, dân tộc Tày, xóm Khau Diều, xã Bình Yên, cho biết: Hơn 50 năm trước, trẻ con chúng tôi đến trường không dám nói tiếng dân tộc mình, vì sợ bạn chọc quê. Tuy nhiên về đến nhà các cụ vẫn nói với nhau bằng tiếng Tày nên chúng tôi tiếp thu được.

Nhìn những ngọn núi không còn cây gỗ lớn, ruộng nương được đồng bào dùng máy làm việc thay sức người, từng trục đường bê tông thoáng đãng ôm ấp vào triển núi đang mang đi những người khỏe mạnh, trẻ trung về các khu công nghiệp. Họ là lớp người mới, biết nắm lấy cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Anh Dương Văn Phong, người dân tộc Mông, xóm Đồng Tâm, xã Phú Lương, cho biết: Hầu hết người trong độ tuổi lao động đều đi ra ngoài làm ăn. Để thuận lợi trong giao tiếp, mỗi người đều cần biết nói tiếng phổ thông. Trong thời gian làm việc ở xa, bà con chỉ nói được tiếng dân tộc mình lúc gọi điện thoại về nhà cho người thân.

Trong môi trường có nhiều người dân tộc khác nhau cùng chung sống, làm việc, đương nhiên giữa mọi người tự dung hòa bằng một ngôn ngữ phổ thông. Bởi có nói tiếng dân tộc mình cũng trở thành "lạc lõng". Nghệ nhân Triệu Văn Tuấn, người dân tộc Dao, xã Quân Chu chia sẻ: Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có việc gìn giữ ngôn ngữ, nhưng tiếng nói vẫn ngày càng bị mai một. Hiện trong cộng đồng người Sán Dìu có rất ít bạn trẻ biết nói tiếng dân tộc mình.

Ra ngoài xã hội, con em đồng bào các dân tộc giao tiếp bằng tiếng phổ thông, chỉ lúc gọi điện về nhà cho người thân mới có dịp nói tiếng mẹ đẻ.

Ra ngoài xã hội, con em đồng bào các dân tộc giao tiếp bằng tiếng phổ thông, chỉ lúc gọi điện về nhà cho người thân mới có dịp nói tiếng mẹ đẻ.

Tôi đã gặp nhiều nghệ nhân là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ tự hào là người sử dụng thành thạo tiếng dân tộc mình, nhưng trong lòng luôn mang tâm sự buồn vì con cháu trong nhà không chịu học tiếng mẹ đẻ. Vì các cháu đang đi học. Muốn học giỏi thì cần thành thạo tiếng phổ thông và học thêm ít nhất một thứ tiếng nước ngoài.

Tiếng mẹ đẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số đang bị mai một cùng thời gian. Đó là điều khó tránh khỏi, bởi con em đồng bào đến trường được học bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt). Nhiều trẻ em không còn nói được tiếng mẹ đẻ.

Những tín hiệu vui

Bên hiên nhà sàn, ông Chu Văn Cam, dân tộc Nùng, xóm Đồng Luông, xã Quang Sơn, cùng các cháu quây quần bên cuốn sách đã nhàu. Trong cuốn sách ấy là nguồn gốc, tập quán, những nét đẹp văn hóa được các cụ chép lại bằng chữ nôm Nùng. Ông tự hào nói với chúng tôi: Những khi dảnh tôi thường dạy cho các cháu đọc vần từng chữ. Chữ khó học, nhưng đó cũng là lúc các cháu được tôi bổ sung thêm kiến thức, ngôn ngữ tiếng dân tộc mình.

 Ông Chu Văn Cam, xóm Đồng Luông, xã Quang Sơn, hướng dẫn các cháu học chữ nôm Nùng.

Ông Chu Văn Cam, xóm Đồng Luông, xã Quang Sơn, hướng dẫn các cháu học chữ nôm Nùng.

Từ thuở nằm nôi, hạnh phúc nhường nào khi bé em được nghe lời mẹ ru hời bằng tiếng hát trao truyền ngàn đời của tổ tiên để lại. Lời ru hời ấy là cách những người mẹ truyền dạy cho con tiếng nói, phương tiện để giao tiếp và giữ gìn "linh hồn văn hóa" của một dân tộc mình.

Về xã Trại Cau, hỏi chuyện trao truyền tiếng mẹ đẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng tôi được bà con trong vùng nhắc ngay đến ông Triệu Văn Thuận, người dân tộc Dao…

Đến nhà, chúng tôi thấy có bảng viết và các học trò đang cặm cụi tập viết chữ nôm của dân tộc Dao. Khi được hỏi học chữ mẹ đẻ có thích không? Các học trò cười ngượng, bảo: Thích đấy, mà chữ của tổ tiên mình còn khó nhớ hơn chữ phổ thông. Ông Thuận cho biết gần 9 năm nay đã có khoảng 100 người đến nhà tôi để học chữ nôm Dao.

Một tín hiệu vui là các khu vực có nhiều người cùng một dân tộc sinh sống, như các xóm người Dao ở xã Trại Cau, Quân Chu, Phú Xuyên; các xóm người Mông ở xã Phú Lương, Văn Lăng, Thần Sa; các xóm người Sán Dìu ở xã Tân Khánh, Nam Hòa và phường Phúc Thuận… chúng tôi đến, có nhiều người sử dụng thành thạo “song ngữ” - tiếng dân tộc mình và tiếng phổ thông.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lục Thanh Lâm, Trưởng xóm Đá Bạc, xã Tân Khánh, cho biết: Xóm có có hơn 210 hộ, khoảng 1.000 dân, 99% là dân tộc Sán Dìu. Hầu hết các gia đình đều nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên trẻ em cơ bản biết nghe, biết nói… bập bõm.

Còn ông Triệu Trung Nguyên, xóm người Dao Khe Khoang, xã Yên Trạch, nói: 74 hộ của xóm chỉ có duy nhất 1 người dân tộc khác (dân tộc Mường). Chính vì thế tiếng Dao ở xóm là tiếng phổ thông.

Để hạn chế sự mai một tiếng mẹ đẻ trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng sống cho đồng bào, đặc biệt là việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ.

Đã có hàng trăm cán bộ của tỉnh được Sở Nội vụ tổ chức cho học tiếng dân tộc Tày, dân tộc Mông. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tổ chức việc xây dựng mô hình, mẫu hình văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được thành lập, đó là môi trường tốt để đồng bào các dân tộc trao truyền, gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình.

Dù chưa nói được nhiều, song cũng là tín hiệu vui vì ngày càng có nhiều người dân tộc thiểu số tham gia học tiếng mẹ đẻ, thể hiện ý thức gìn giữ “linh hồn dân tộc”. Nhưng tôi chắc chắn việc gìn giữ, duy trì tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số không có môi trường nào tốt hơn là gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc. Đó vừa là tổ ấm gia đình, đồng thời là trường học đầu tiên của mỗi người.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/nguoi-dan-toc-thieu-so-giu-gin-tieng-me-de-bb9230b/
Zalo