Người dân rưng rưng kể lại khoảnh khắc lũ dữ ập về: 'Nhà trôi hết rồi, mất hết rồi…'

Câu nói nghẹn ngào của anh Cao Tiến Lành (trú cụm 5, thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông, Nghệ An) vẫn ám ảnh những người chứng kiến. Vừa dứt lời, anh lại lặng lẽ hướng ánh mắt về dòng nước cuồn cuộn đang nuốt trọn căn nhà, mái ấm – nơi anh đã gắn bó cả cuộc đời, đổ biết bao mồ hôi, công sức để dựng xây.

Lũ dữ cuốn trôi tất cả

Bão số 3 đổ bộ, mang theo trận mưa xối xả trút xuống suốt nhiều giờ liền tại các xã miền Tây Nghệ An. Nước từ thượng nguồn sông Lam ào ạt đổ về như thác lũ, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Khoảng 20h ngày 22/7, tiếng gió rít gào, nước lũ dâng lên từng mét. Người dân cụm 5, thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông chỉ kịp la hét gọi nhau chạy thoát thân, chẳng ai kịp gom góp lấy một thứ gì.

“Tôi vừa bế đứa cháu nhỏ, vừa lội bì bõm trong làn nước ngập đến ngực. Ngoái đầu nhìn lại, nhà đã chìm trong bóng tối và bị dòng lũ xé nát. Mất hết rồi…”, bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1974) nghẹn giọng kể.

'Nhà trôi hết rồi, mất hết rồi…'

Gia đình bà Ngọc có 4 người, may mắn thoát chết trong gang tấc. Thế nhưng, toàn bộ tài sản, đồ đạc – những gì dành dụm cả đời – đã bị dòng lũ hung dữ cuốn trôi. “Bây giờ chúng tôi trắng tay, chỉ còn lại bộ quần áo ướt sũng trên người”, bà Ngọc nói, đôi mắt vô hồn nhìn về nơi từng là mái ấm thân thương.

Những ngôi nhà ven sông Lam ở eo Vực Bồng, xã Con Cuông chìm trong lũ dữ.

Những ngôi nhà ven sông Lam ở eo Vực Bồng, xã Con Cuông chìm trong lũ dữ.

Cũng như bà Ngọc, anh Lành – con trai bà – có nhà nằm sát mép sông. Gia đình anh đã quen với cảnh lũ lụt hằng năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ khủng khiếp đến vậy. Thất thần, anh kể lại: “Nước lên nhanh lắm, chỉ kịp hô vợ con bỏ chạy. Ngoái đầu nhìn lại, ngôi nhà đã ngập đến nóc, rồi bị dòng lũ dữ cuốn phăng đi trong đêm tối.”

Nhắc đến đêm kinh hoàng ấy, một người hàng xóm ngồi trên chiếc thuyền chòng chành, mắt rưng rưng nhìn về nơi từng là mái ấm: “Cả đời dành dụm xây căn nhà, giờ tất cả chỉ còn lại là đống đổ nát”.

Người dân thất thần khi nhà cửa đã bị lũ nhấn chìm.

Người dân thất thần khi nhà cửa đã bị lũ nhấn chìm.

Người phụ nữ nằm gục trên chiếc thuyền nhỏ sau 1 đêm mệt nhoài chống chọi với lũ.

Người phụ nữ nằm gục trên chiếc thuyền nhỏ sau 1 đêm mệt nhoài chống chọi với lũ.

Chiều 23/7, nước lũ vẫn chưa rút. Mọi người thất thần đứng bên bờ sông, ánh mắt dõi theo những vật dụng còn sót lại trôi lềnh bềnh giữa dòng nước đục ngầu. Không ai còn phân biệt được đâu là đồ dùng của ai. Mảnh gỗ kia từng là khung cửa nhà ai? Chiếc nồi nhôm méo mó ấy có phải của gia đình nào tối qua còn dùng nấu bữa cơm chiều? Tất cả đều tan hoang…

Giờ đây, anh Lành cùng vợ con phải trú nhờ tại nhà hàng xóm. Buồn bã, anh nói: “Chúng tôi giờ không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhà trôi hết, đất đai ven sông cũng bị sạt lở. Nhưng ít nhất, cả nhà vẫn còn sống. Đó là điều duy nhất để bấu víu mà đứng dậy”.

Những người đàn ông - trụ cột của gia đình giờ bất lực nhìn nhà cửa, đồ đạc trôi theo dòng lũ dữ.

Những người đàn ông - trụ cột của gia đình giờ bất lực nhìn nhà cửa, đồ đạc trôi theo dòng lũ dữ.

Ngay sau bão, chính quyền xã Con Cuông đã huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, khẩn trương dựng lán tạm, phân phát nước uống, lương thực, chăn màn cho những hộ dân mất nhà cửa.

Tại eo Vực Bồng, một người dân chia sẻ, con đường tái thiết lại mái nhà và cuộc sống phía trước vẫn còn đầy chông gai. Phần lớn các gia đình bị mất nhà đều thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, vốn liếng tích cóp cả đời đã bị dòng lũ cuốn trôi. “Chúng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu. Đất ven sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, giờ có dựng lại nhà cũng không an toàn”, người này nói.

Thiệt hại nặng nề

Hiện tại, nhiều địa phương miền núi ở Nghệ An vẫn mưa lớn, nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt rất cao. Chính quyền các địa phương đã khẩn cấp sơ tán gần 1.200 hộ dân ở các vùng xung yếu; hàng trăm bản làng ở xã Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn vẫn đang bị cô lập, mất điện và thông tin liên lạc.

Hàng ngàn ngôi nhà ở các xã miền Tây Nghệ An chìm trong biển nước.

Hàng ngàn ngôi nhà ở các xã miền Tây Nghệ An chìm trong biển nước.

Tính đến 6h sáng 23/7, tỉnh này ghi nhận 1 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, hơn 3.200 ngôi nhà bị ngập sâu và hàng loạt tuyến giao thông bị chia cắt.

Hiện nay, eo Vực Bồng nước vẫn dâng cao.

Hiện nay, eo Vực Bồng nước vẫn dâng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh trực tiếp chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa và kiểm tra các vùng ngập lũ. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè trong thời gian mưa lũ; tổ chức phân luồng giao thông, chuẩn bị nhu yếu phẩm ứng phó với tình huống xấu nhất.

Do mưa lớn tiếp diễn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập sâu ở miền núi Nghệ An vẫn rất cao. Chính quyền cảnh báo người dân hạn chế di chuyển qua các cầu tràn, ngầm tràn và khu vực nguy hiểm, tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu hộ để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Vũ Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-rung-rung-ke-lai-khoanh-khac-lu-du-ap-ve-nha-troi-het-roi-mat-het-roi-169250723155539381.htm
Zalo