Người dân làng nghề ở huyện Thường Tín thực hành chữa cháy, cứu người
Hỏa hoạn tại làng nghề là hiểm họa khôn lường khó có thể đoán được thiệt hại lớn đến mức nào. Đặc biệt, đối với địa bàn có nhiều làng nghề như huyện Thường Tín, Hà Nội chỉ cần lơ là sẽ để lại hậu quả rất lớn...
Nguy cơ cao cháy lan, cháy lớn
Huyện Thường Tín được coi là "thủ phủ" của làng nghề với 126 làng nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như Sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái; nghề thêu tại các xã Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi; nghề tiện gỗ ở làng Nhị Khê, xã Nhị Khê; nghề điêu khắc ở các làng Nhân Hiền, xã Hiền Giang), Thượng Cung, xã Tiền Phong) và Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Chỉ tính riêng 48 làng nghề truyền thống có khoảng 10.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 3 vạn lao động với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/ người/ tháng. Luôn tập trung đông người đã là nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn, lại cộng với hệ thống máy móc, thiết bị điện, sản phẩm dễ cháy càng khiến cho làng nghề luôn tiềm ẩn hỏa hoạn cao.
“Chỉ cần nhìn mắt thường ở làng nghề chế biến đồ gỗ cũng đã thấy tiềm ẩn nguy cơ cháy bởi mùn cưa, phoi bào và những sản phẩm mộc nếu sơ ý hút thuốc lá rơi tàn, đốt rác không để ý sẽ khó tránh khỏi hậu họa”- Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an huyện (CAH) Thường Tín cảnh báo.
Xác định rõ công tác đảm bảo PCCC và CNCH đối với từng hộ kinh doanh, sản xuất có vai trò quyết định trong việc hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nên lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín đã quan tâm liên tục, thường xuyên triển khai các biện pháp an toàn cháy, nổ. Ngoài việc lập hồ sơ nghiệp vụ quản lý theo quy định, các tổ địa bàn và công an xã luôn tổ chức tuyên truyền tập huấn, thực tập phương án để nâng cao ý thức người dân, chủ cơ sở trong PCCC.
Theo chỉ huy CAH Thường Tín, vào những ngày hanh khô, do người dân làng nghề gia tăng sản xuất, hàng hóa để phục vụ nhu cầu thị trường Tết, do đó việc lưu tâm đến phòng ngừa hỏa hoạn bị sao nhãng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy, nổ trên địa bàn có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Ý thức, trách nhiệm tự phòng ngừa
“Mặc dù biết việc sản xuất bận rộn, song vì sự an toàn của người dân nên chúng tôi luôn tổ chức trang bị kiến thức cho họ và đặc biệt đối với lực lượng PCCC cơ sở vào thời điểm phù hợp. Chỉ chính người dân và chủ cơ sở luôn ý thức, trách nhiệm với an toàn cháy, nổ mới có thể bảo vệ được tài sản, tính mạng của mình. Còn lực lượng cứu hỏa luôn là người tiếp nhận thông tin cháy sau chủ nhà và người dân. Chính vì thế, khi người dân có kỹ năng, ý thức cao mới góp phần hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra” - cán bộ tuyên truyền Đội Cảnh sát PCCC - CAH Thường Tín khuyến cáo.
Ngoài trang bị kiến thức về công tác phòng, chống cháy, nổ, tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, kiến thức phòng ngừa, cách quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt cho các hộ dân; kiến thức sử dụng an toàn các thiết bị điện trong sinh hoạt, sử dụng bình gas phục vụ nấu ăn hằng ngày, lưu ý những vấn đề trong thắp hương, đốt vàng mã bảo đảm an toàn cháy, nổ trong mỗi hộ gia đình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn tổ chức thực tập để hàng trăm người dân làng nghề được trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm, cứu người bị nạn và thực hành sử phương tiện PCCC tại làng nghề, gia đình để dập tắt đám cháy.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển làng nghề nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín đã rà soát, phân loại, chỉ rõ những tồn tại, đưa ra thời hạn giám sát việc khắc phục của chủ cơ sở, doanh nghiệp.
"Huyện sẽ có biện pháp mạnh xử lý đối với những cơ sở, doanh nghiệp tồn tại về PCCC và CNCH nhưng chưa khắc phục khi đã cam kết. Việc sản xuất phát triển được ưu tiên, tạo điều kiện nhưng phải an toàn PCCC theo quy định của Luật PCCC mới bền vững"- chỉ huy CAH Thường Tín cho hay.