Người dân hưởng lợi từ mô hình TOD

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo 'Tích hợp quy hoạch để phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD) tại TPHCM' do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM phối hợp Trường đại học TN-MT TPHCM tổ chức sáng 5.7.

Tuyến Metro số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại

TS Nguyễn Xuân Long giới thiệu mô hình Node - Place về phát triển đô thị TOD dựa trên sự tương tác giữa giao thông và sử dụng đất. Trên cơ sở nghiên cứu 14 nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), mô hình này xác định có 8 nhà ga thuộc vùng cân bằng, 1 nhà ga thuộc vùng căng thẳng, 3 nhà ga thuộc vùng phụ thuộc và có 2 nhà ga thuộc vùng mất cân bằng.

"Ga Bến Thành là vị trí sử dụng tốt nhất, kế đến là ga Nhà hát Thành phố và ga Thủ Đức, còn ga Phước Long, Rạch Chiếc rơi vào vùng còn nhiều tiềm năng phát triển", TS Long nhận định.

Trong việc phát triển đô thị theo mô hình TOD, vấn đề đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân và Nhà nước là quan trọng. TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng đối với khu vực ngoại thành, dân cư còn thưa thớt, có thể áp dụng mô hình nhà nước đền bù cho người dân, thu hồi đất và tổ chức lại không gian đô thị.

Đối với khu vực đô thị hiện hữu, mô hình tái điều chỉnh đất để tổ chức lại không gian xung quanh nhà ga metro sẽ phù hợp hơn. Theo đó, Nhà nước không thu hồi đất mà người dân sẽ góp quyền sử dụng đất vào dự án phát triển đô thị và nhận lại diện tích đất nhỏ hơn hoặc diện tích sàn xây dựng, phần diện tích đất còn lại dùng để làm công viên, các công trình tiện ích xã hội, làm kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chi cho quản lý dự án...

"Mô hình này được áp dụng mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, góp phần lớn trong quá trình phát triển đô thị trong thế kỷ 20 tại các quốc gia này. Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng ở Hà Nội và TPHCM", TS Hải nói thêm.

TS. Phạm Trần Hải nêu điểm thuận lợi để phát triển TOD, đó là Điều 219 luật Đất đai năm 2024 cho phép góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức lại không gian đô thị trên cơ sở sự tham gia (góp đất và nhận lại diện tích đất nhỏ hơn) của cộng đồng người dân địa phương.

Theo các chuyên gia, đô thị mô hình TOD là một cộng đồng có mục đích sử dụng đất hỗn hợp nằm trong khoảng cách đi bộ trung bình 2.000 feet (khoảng 610 m) từ trạm dừng chuyển tuyến và khu trung tâm thương mại.

TOD kết hợp khu dân cư, bán lẻ, văn phòng, không gian mở và các mục đích sử dụng công cộng trong một môi trường có thể đi bộ, giúp cư dân và người lao động di chuyển thuận tiện bằng phương tiện công cộng, xe đạp, đi bộ hoặc ô tô.

Đối với TPHCM, các chuyên gia cho rằng, làm TOD sẽ là áp lực về tài chính làm thêm nhà ga mới và phát triển vùng lân cận. Nhưng đây cũng sẽ là một trong những công cụ giúp thành phố đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Mặt khác, thí điểm làm TOD là một trọng trách nặng nề đối với TPHCM, nhưng nếu làm thành công sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của cả nước trong quy hoạch. PGS Chính khuyến nghị TPHCM cần cân nhắc kỹ khi chọn mục tiêu, chọn vị trí làm thí điểm và chọn chuyên gia hỗ trợ.

Trà Giang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nguoi-dan-huong-loi-tu-mo-hinh-tod-post115342.html
Zalo