Người dân đổ xô vào rừng nhặt ươi bay

Những ngày qua, người dân từ nhiều địa phương cùng với người dân vùng cao của Đà Nẵng, đổ xô vào rừng nhặt trái ươi bay. Đây là một sản phẩm đặc sản của vùng cao Đà Nẵng, khoảng 4 năm mới cho trái 1 lần nên có giá cao trên thị trường.

Người dân đổ xô về vùng núi Đà Nẵng để nhặt ươi bay. Ảnh: Tấn Thành.

Người dân đổ xô về vùng núi Đà Nẵng để nhặt ươi bay. Ảnh: Tấn Thành.

Theo đó, trên địa bàn vùng núi cao Đà Nẵng, cây ươi phân bố ở một số xã như Trà My, Khâm Đức, Phước Thành, Bến Giằng, Nam Giang, Phước Năng… Đây là loại cây rừng có giá trị kinh tế cao, vì quả ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát được thị trường ưa chuộng. Khi pha chế, trái ươi ngâm với nước nóng sẽ nở ra gấp 8 – 10 lần có màu nâu nhạt, vị hơi chát và mát. Được cho là rất bổ dưỡng với sức khỏe con người.

Trái ươi bay càng có giá trị vì khoảng 4 năm mới cho trái chín 1 lần. Được gọi là ươi bay, vì đến kỳ trái chín hạt ươi không rụng xuống gốc, mà thường được gió phát tán. Cây ươi ở càng cao thì hạt được gió mang đi càng xa. Những năm gần đây hạt ươi có giá trị kinh tế cao, giá giao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/kg. Nếu thương lái thu mua để sau mùa ươi bán lại có thể lên đến 1 triệu đồng/kg.

Năm nay, những cây ươi tại các xã miền núi của TP Đà Nẵng rất sai quả. Gần nửa tháng nay, ươi bắt đầu chín rộ. Người dân di chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận TP Đà Nẵng, ngó lên triền núi khi thấy các cây ươi chuyển màu đỏ sẫm nổi bật giữa rừng xanh là bà con tìm đến để nhặt hạt.

Người đi tìm ươi bay thì không chỉ là dân địa phương mà có rất đông người ở các xã khu vực đồng bằng của TP Đà Nẵng, thậm chí ở tỉnh Quảng Ngãi tìm đến các cánh rừng già ở TP Đà Nẵng nhặt quả ươi bay. Họ đi thành từng tốp khoảng 3 - 5 người, tìm đến các gốc cây ươi lớn nhặt hạt ươi. Cũng có người leo hẳn lên cây cao hàng chục mét để hái quả, thậm chí tỉa cành để thu hoạch ươi.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (trú ở xã Quế Phước) cho biết: “Đợt ươi năm nay tôi vào rừng 2 chuyến để nhặt hạt ươi bay, mỗi chuyến kiếm được gần 2 triệu đồng. Chịu khó leo núi thì đợt này cũng kiếm ra tiền”.

Chị Hồ Thị Mít (ở xã Phước Chánh) chia sẻ: “Làm rẫy thì thu nhập thấp lắm nên bà con nông dân rất mong chờ đến mùa ươi bay để vào rừng nhặt hạt ươi nhằm tăng thu nhập. Nhặt trái này như lộc mà thiên nhiên ban tặng, 4 năm mới có một lần”.

Một số người đi nhặt ươi tại khu vực xã Phước Năng cho biết, nhiều thương lái luôn chờ sẵn tại các khu vực cửa rừng để mua ươi. Ươi bay hiện có giá lên đến 500.000 đồng/kg. Theo người dân, năm nay giá ươi cao hơn nhiều so với các năm trước nên người đi nhặt quả ươi có thu nhập khá. Mỗi ngày có thể thu được vài trăm ngàn đồng, nếu may mắn có thể thu được vài triệu đồng/ngày. Dù vậy, công việc đi nhặt quả ươi hết sức vất vả và nguy hiểm vì phải vào các khu vực rừng sâu, địa hình hiểm trở.

Ươi bay thường có giá 500.000 đồng/kg.

Ươi bay thường có giá 500.000 đồng/kg.

Còn người thu mua ươi bay như bà Huỳnh Thị Tuyên (ở xã Khâm Đức, TP Đà Nẵng) cho biết, mùa này chị đã thu mua được vài tấn quả ươi. Tùy theo từng loại ươi sẽ có các mức giá khác nhau. Ươi loại 1 là quả ươi bay từ trên cây xuống có giá 450.000 đồng/kg; ươi người dân leo lên cây hái thì có giá 350.000 - 400.000 đồng/kg.

Bà Tuyên cũng cho biết quả ươi sau khi thu mua được xuất bán sang Trung Quốc. Theo chủ vựa thu mua này, tại nước ta, quả ươi chủ yếu làm nước giải khát nhưng tại Trung Quốc và các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… người ta mua về để chế biến thuốc, thực phẩm chức năng nên rất quý.

Ông Lê Quang Tính - Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn cho biết, những ngày qua, đơn vị cắt cử lực lượng túc trực tại các chốt để kiểm soát người dân ra vào rừng. Người dân sẽ được tạo điều kiện vào rừng nhặt ươi bay nhưng không được mang theo dao rựa hay các dụng cụ có thể tác động đến sinh trưởng của cây cối trong rừng. “Trước đây đã có tình trạng chặt phá cây ươi để lấy quả, nhưng những năm gần đây, khi được tuyên truyền thì người dân đã ý thức hơn, không còn tình trạng chặt hạ cây ươi. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng người dân leo lên cây chặt cành cây. Việc này nếu xảy ra sẽ bị xử phạt nặng” – ông Tính nói.

UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) trước đây đã từng có văn bản số 3757-UBND/KTN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương, nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Tấn Thành – Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-dan-do-xo-vao-rung-nhat-uoi-bay-10310229.html
Zalo