Người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước phải được toàn quyền lựa chọn cán bộ

Mục tiêu ban hành luật là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước, tránh can thiệp sâu vào hoạt động cũng như đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường.

Chiều 29-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đa phần các ý kiến đồng tình việc cần thiết phải có các quy định theo hướng tinh gọn, rõ phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động hiệu quả…

 ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

DNNN cũng không sung sướng gì

Đại biểu (ĐB) Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng dự thảo luật cần đảm bảo nguyên tắc DN “được làm gì mà pháp luật không cấm”, thay cho nguyên tắc “được làm những gì được quy định”.

Điều này nhằm đảm bảo quyền tự chủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đã được xác định trong điều lệ, khi thành lập DN. Đồng thời, hạn chế quy định cứng, áp dụng cho mọi DN mà cần có cơ chế để quy định cụ thể trong Điều lệ DN, phù hợp với tính chất của ngành nghề, lĩnh vực, quy mô kinh doanh.

Ông bày tỏ băn khoăn với Điều 31 dự thảo luật quy định về thực hiện dự án đầu tư của DNNN. Theo ông đầu tư là hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của DN. Nhà nước đã có một quy trình thủ tục về đầu tư vốn vào DN, nếu rà soát không cẩn thận thì có thể sẽ quy định thêm một quy trình thủ tục nữa.

“Có nghĩa là nhà nước vừa đầu tư vốn vào DN, sau đó DN đi đầu tư từng dự án lại phải tiếp tục thực hiện một quy trình nữa. Thế thì tôi cho rằng chẳng khác gì hai lần đầu tư công” - ông Hiếu nói và cho rằng chỉ cần kiểm soát hai hoạt động ở các DN có vốn nhà nước. Cụ thể là dùng tiền nhà nước để mua vốn, góp cổ phần vào DN khác và bán tài sản.

Còn đối với các hoạt động đầu tư bình thường của DN để phục vụ sản xuất, kinh doanh, theo ông Hiếu “cần hết sức cân nhắc”. Từ đó, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ hoàn thiện và trình lại dự thảo luật tại kỳ họp 9, nếu đảm bảo chất lượng thì xem xét thông qua tại kỳ họp 9.

 ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

Cùng quan điểm, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng còn rất nhiều điều dự luật này phải làm để tạo cơ sở vững chắc cho DNNN có đủ nguồn lực, cơ sở để cất cánh, xứng đáng là trung tâm của nền kinh tế.

“Chúng ta đang thực hiện mục tiêu là cởi trói và phải tạo điều kiện tối đa cho DN, trong đó có DNNN có nền tảng, cơ sở để phát triển. Vì vậy cần rà soát, giảm bớt toàn bộ các quy định mang tính chất hành chính” - ĐB An nói và cho rằng đối với DNNN vẫn phải tập trung vào vai trò của Hội đồng thành viên, trên cơ sở điều lệ để có đủ quyền tự chủ, tự quyết, tránh bị tình trạng “khóa chặt” như lâu nay.

“DNNN thì muốn được cơ chế như DN tư nhân, còn DN tư nhân đứng ngoài nhìn vào thì nói sướng như DNNN, tôi cho rằng DNNN không có sung sướng gì vì rất nhiều quy định” - ông An nói.

 ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ở đâu có tiền đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý

Góp ý cho dự luật, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc sửa luật để phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của DN. Từ đó, tạo cơ chế thông thoáng cho DNNN, quản lý hiệu quả vốn nhà nước theo nguyên tắc “ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì phải có cơ chế theo dõi, quản lý”.

Tuy nhiên, theo ông, hiện dự luật mới áp dụng cho DNNN nắm trên 50% vốn điều lệ là chưa đáp ứng được nguyên tắc trên. “Luật cần mở rộng đối tượng, đưa ra các yêu cầu, có tính nguyên tắc quản lý, giám sát đối với các DN có dưới 50% vốn nhà nước và các DN F2,F3… do DNNN đầu tư” – ông Cường nói.

Về nhân sự ở các DNNN (Điều 13),ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng cần trao quyền nhiều hơn cho người đại diện vốn tại DNNN. Ông đề nghị dự luật chỉ quy định các yêu cầu, nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đối với việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của DN phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý DN do Chính phủ quy định.

 Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định mục tiêu ban hành luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DNNN, tuân theo thông lệ quốc tế, tránh can thiệp sâu vào hoạt động của DN, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản trị DN, đảm bảo DN hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường.

Về đối tượng áp dụng, ông Thắng cho hay dự thảo luật đang áp dụng đối với tổ chức, DN nắm trên 50% vốn điều lệ. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, báo cáo Thủ tướng bổ sung đối tượng áp dụng đối với nội dung này. Bởi theo ông Nguyễn Văn Thắng, người đại diện vốn tại DN có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn.

NGUYỆT THANH – PHÚ HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dai-dien-von-tai-doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-duoc-toan-quyen-lua-chon-can-bo-post822425.html
Zalo