Người con của rừng tràm - Nơi nghệ thuật và lịch sử được giao hòa

Đêm hội truyền thống là một trong những hoạt động nổi bật của Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024. Đêm công diễn vở cải lương Người con của rừng tràm thêm một lần nữa khẳng định người dân vẫn luôn yêu mến, trân trọng lịch sử và bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương.

1. Mặc dù chương trình được livestream và truyền hình trực tiếp trên các nền tảng của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An nhưng các chỗ ngồi trong nhà hát của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An được lấp đầy từ sớm và một phần lớn khán giả đến xem là người trẻ. Đêm hội truyền thống còn có sự có mặt của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa.

Phát biểu khai mạc Đêm hội truyền thống, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh khẳng định, đêm hội truyền thống là hoạt động nhằm gìn giữ, lưu truyền, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc cũng như quảng bá những nét đẹp về đất và người Long An, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân.

Vở diễn Người con của rừng tràm vừa được dàn dựng tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 và xuất sắc giành được Huy chương Vàng.

Vở diễn Người con của rừng tràm vừa đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Vở diễn Người con của rừng tràm vừa đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024

Kịch bản Người con của rừng tràm dựa vào hình tượng nhà cách mạng Trương Văn Bang, một người con anh hùng của Cần Giuộc, Long An. Ông thuộc lớp cán bộ lãnh đạo kỳ cựu, có nhiều công lao “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương Long An và Nam Bộ. Ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Liên tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa và cũng là nhà quân sự tài ba.

Trong giai đoạn làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh, thuộc Trung đoàn 308 (Trung đoàn Phạm Hồng Thái) cũng do Trương Văn Bang làm Trung đoàn phó, ông cùng đơn vị tổ chức nhiều trận đánh Pháp gây tiếng vang lớn cho phong trào cách mạng ở miền Đông Nam Bộ, trong đó có tham gia trận Láng Le - Bàu Cò ngày 15/4/1948.

Chiến thắng Láng Le - Bàu Cò cũng là cảm hứng để nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản văn học Người con của rừng tràm và Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương, đồng đạo diễn cùng Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh.

2. Dù chỉ chọn một lát cắt nhỏ trong lịch sử nhưng vở diễn cũng truyền tải được những thông điệp lịch sử cốt yếu, giúp người trẻ hiểu hơn về đất và người Long An. Sau khi vở diễn kết thúc, chị Trần Thị Yến Xuân (phường 6, TP.Tân An) cho biết, trước đây, chị từng nghe về nhà cách mạng Trương Văn Bang và chiến thắng Láng Le - Bàu Cò nhưng chưa tìm hiểu rõ. Sau khi xem vở diễn, chị hình dung rõ hơn về một nhà cách mạng kiên trung và cảm thấy rất tự hào về truyền thống vẻ vang của Long An.

Vở diễn Người con của rừng tràm khép lại trong những tràng pháo tay vang dội, cảm xúc của khán giả từ hồi hộp, lo lắng chuyển đến xúc động, tự hào rồi thở phào nhẹ nhõm với cuộc trùng phùng của gia đình đồng chí Trương Văn Bang sau 20 năm xa cách. Đất nước đã hòa bình và vợ chồng, cha con được tái hợp, tạo nên cái kết đầy và trọn vẹn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nguyễn Tấn Quốc từng nói: “Tôi đánh giá cao nội dung kịch bản, trong đó, cái chết của nhân vật Mary Đào được xây dựng phù hợp tuyến tâm lý cảm xúc. Hai nhân vật chính là nhân vật có thật trong lịch sử và cũng giữ vị trí nền với nhiều đất diễn, thu hút. Đặc biệt, 2 nhân vật phụ là ông Tư và Mary Đào được xây dựng giàu cảm xúc, mang tính con người, gia đình, xã hội, đẩy được cao trào cho vở diễn. Người con của rừng tràm được dàn dựng công phu, hài hòa giữa lịch sử và nghệ thuật cho thấy sự nghiêm túc của soạn giả, đạo diễn”./.

Quế Lâm - Thu Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-con-cua-rung-tram-noi-nghe-thuat-va-lich-su-duoc-giao-hoa-a186579.html
Zalo