Người có nguy cơ thấp cũng nên tầm soát ung thư định kỳ
Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc mới, 120.000 ca tử vong do ung thư (theo ghi nhận trong năm 2022). Để bạn đọc có cái nhìn trực quan hơn về căn bệnh này, PV đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Hà Hải Nam - Phó Trưởng Khoa Ngoại bụng I - Bệnh viện K, Giảng viên bộ môn Ung thư - Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Hà Hải Nam.
PV: Thưa bác sĩ, theo một số thống kê, số trường hợp mắc ung thư tại nước ta đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bác sĩ có thể lý giải nguyên nhân của thực trạng này?
BS Hà Hải Nam: Các tác nhân gây ung thư rất đa dạng, người ta thường tổng hợp lại thành 4 nhóm chính. Thứ nhất là các tác nhân vật lý như tia cực tím, các bức xạ ion hóa (tia X) hoặc không ion hóa (sóng điện từ). Thứ hai là các tác nhân hóa học, như các hóa chất dùng trong công nghiệp (asen,benzen,amiang…), thuốc lá, rượu, thực phẩm độc hại (dưa muối cà muối, thịt hun khói, thịt nướng…). Thứ ba là các tác nhân sinh học - bao gồm một số loại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng có liên quan đến bệnh ung thư như vi khuẩn HP trong dạ dày, HPV ở cổ tử cung, EBV tại vòm, virus viêm gan B, C tại gan… Cuối cùng, đó là các nguyên nhân do di truyền như đột biến gen thừa hưởng từ bố mẹ hoặc tiền sử gia đình có mang gen ung thư (như ung thư vú,bệnh đa polyp di truyền yếu tố gia đình).
Trong tất cả các tác nhân trên, cần đặc biệt lưu ý tới thói quen uống rượu và hút thuốc lá - từng được coi là liên quan đến khoảng 1/3 các loại ung thư. Tuy nhiên hiện nay, các yếu tố độc hại trong thực phẩm lại được đề cập nhiều hơn, đúng với câu nói “bệnh từ miệng vào”. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, chế độ ăn uống của người Việt thay đổi rõ rệt với xu hướng tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến kỹ gây biến tính protein như thịt chiên, nướng, rán với dầu chiên đi chiên lại, thực phẩm chứa nitrat, nitrit (đồ muối)… Những món ăn này vừa làm mất đi dinh dưỡng của thực phẩm, được tẩm hóa chất tạo màu bắt mắt và dễ tích tụ chất độc nếu sử dụng lâu dài.
Bên cạnh đó , những thói quen sinh hoạt chưa lành mạnh cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư, như lối sống tĩnh tại, ngồi lâu trong nhà vệ sinh, ăn uống quá nhanh, nằm ngay sau ăn, lạm dụng bia, rượu… Rượu chính là dung môi đưa các dẫn xuất có khả năng gây ung thư thâm nhập vào sâu các cơ quan như phổi, tụy, dạ dày, đại trực tràng… Cùng với đó, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, khiến các độc tố tích lũy lâu năm sẽ có cơ hội biểu hiện. Đồng thời, hệ thống y tế ngày càng phát triển và thiết bị chẩn đoán hiện đại hơn cũng giúp phát hiện nhiều ca ung thư, nhất là ung thư ở giai đoạn sớm.
Một trường hợp cụ thể, cuộc sống của người dân tại thôn Trung Khánh (xã Đức Thịnh, tỉnh Hà Tĩnh) trong vài năm trở lại đây đã bị đảo lộn hoàn toàn do ngày càng nhiều gia đình nơi này có người mắc ung thư. Nguyên nhân có lẽ không nằm ngoài những tác nhân bác sĩ vừa nêu?
Để có thể xác định được nguyên nhân chính xác, cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể và nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở phạm vi phỏng đoán bước đầu thì chúng ta có thể giả thiết nguyên nhân là là yếu tố hóa chất độc hại sử dụng trong công nghiệp, hoặc các chất độc hại mà các cơ sở sản xuất thải ra môi trường hay ô nhiễm nguồn nước.
Vì sao hiện nay người trẻ cũng mắc ung thư nhiều hơn trước, thưa bác sĩ?
Rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay đã tiếp xúc sớm với thực phẩm không an toàn (như các loại đồ ăn đường phố, đồ chiên rán quá kĩ, tẩm ướp hóa chất, đồ ăn nhanh…) do sự hối cả của nhịp sống hiện đại. Hơn nữa, yếu tố di truyền từ thế hệ trước được tích lũy và biểu hiện ở thế hệ sau thông qua các đột biến gen. Cũng không thể không nhắc tới đó là xã hội hiện đại có xu hướng kết hôn và sinh con muộn, dẫn tới nguy cơ đứa trẻ đẻ ra có tiềm ẩn nhiều biến dị hơn - đây cũng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ ung thư ở giới trẻ.
Từ thực trạng trên, bác sĩ có thể đưa ra một số khuyến cáo giúp người dân phòng tránh bệnh ung thư?
Biện pháp tốt nhất để phòng tránh ung thư đó là hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân sinh bệnh như đã kể trên, và thăm khám định kỳ. Bởi vì ung thư giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện qua tầm soát. Những người có yếu tố nguy cơ cao, ví dụ như có mẹ, chị, em gái, cô, bác gái… mắc ung thư vú, hoặc có người thân bị ung thư đại trực tràng, dạ dày… thì rất cần đi khám sàng lọc các cơ quan tương ứng để phát hiện bệnh, từ đó cũng có thể tiến hành điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư như cắt polyp đại trực tràng, đốt các tổn thương dị sản, loạn sản cổ tử cung, viêm teo dạ dày….
Nghĩa là kể cả người có nguy cơ thấp cũng nên đi tầm soát định kỳ?
Trước đây người ta cho rằng 45-50 tuổi trở lên mới cần tầm soát, nhưng hiện nay nhiều trường hợp ung thư xảy ra ở tuổi rất trẻ. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc tiền sử bệnh lý cá nhân (ví dụ viêm lộ tuyến cổ tử cung,u tuyến vú…) và tiền sử gia đình (ung thư vú, ung thư đại trực tràng, bệnh đa polyp di truyền yếu tố gia đình…), thậm chí ngay ở độ tuổi 18-20, nếu có yếu tố nguy cơ, cũng nên chủ động đi khám định kì sớm để phát hiện bệnh
Bên cạnh việc đi tầm soát, lối sống cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư?
Chắc chắn là có. Một người thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao sẽ có sức đề kháng tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, mỡ máu, tim mạch - và cả ung thư. Ngoài ra, nên hạn chế đồ ăn nhanh, tránh các loại thực phẩm chế biến kỹ, ưu tiên rau củ quả và đồ ăn luộc. Đây là cách hiệu quả để hạn chế rủi ro do các biến tính protein gây các tổn thương đột biến gen và biến đổi nhiễm sắc thể về lâu dài.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!