'Ngựa ô' của kinh tế số Việt Nam
Thương mại điện tử và du lịch trực tuyến đang là hai chú 'ngựa ô' của nền kinh tế số Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng hai con số.
Thương mại điện tử tăng tốc như vũ bão
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, với sự lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử Việt Nam rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử chiếm khoảng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù để phát triển thương mại điện tử, như chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, hạ tầng thuận lợi...
Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9 với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỷ USD lợi nhuận. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa (GMV) và lợi nhuận đạt Tỷ lệ Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.
Đặc biệt, kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. GMV của Việt Nam dự kiến đạt CAGR ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024, với thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực chính.
Năm 2024, riêng ngành thương mại điện tử tăng trưởng 18% so với năm 2023, với GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Du lịch trực tuyến âm thầm tăng tốc
Bên cạnh thương mại điện tử, du lịch trực tuyến của Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD năm 2024, đóng góp đáng kể vào GMV của nền kinh tế số.
Theo đánh giá của Google, Temasek và Bain & Company, du lịch trực tuyến tiếp tục tạo ra doanh thu thông qua tăng tỷ lệ hoa hồng trên từng chuyến bay, trong khi các kênh bán lẻ trực tiếp góp phần lớn nhất vào tổng doanh thu. Sự tăng trưởng này được đóng góp bởi quá trình phục hồi du lịch của nhóm khách trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam.
Trong khi đó, người Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu du lịch nước ngoài của người Việt. Đáng chú ý là, chi tiêu của du khách Việt ở nước ngoài tăng tới 290% kể từ nửa đầu 2020.
Một yếu tố khiến du lịch trực tuyến Việt Nam phát triển mạnh là các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… đang được ứng dụng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, sự ra đời của AI kết hợp với Gen Z sẽ là làn sóng thay đổi ngành du lịch lần thứ ba. Nếu như làn sóng thứ nhất là Internet mang tính kết nối, làn sóng thứ hai là điện thoại, thì làn sóng thứ ba là AI. Thực tế, AI đã tự tạo ra nội dung, nên ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch. AI sẽ khiến xu hướng đặt dịch vụ thông qua hình thức trực tuyến gia tăng.
Theo đánh giá của ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, AI sẽ thay đổi một cách chóng mặt trong vài năm tới. Với sự phát triển của AI, việc tiếp cận đối tượng toàn cầu đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, AI lại là một thách thức đối với ngành du lịch. Nếu như không thay đổi, AI sẽ khiến các đơn vị tư vấn du lịch dần biến mất, các công ty du lịch chỉ có thể bán những tour đường dài đến các địa điểm cần chuẩn bị visa phức tạp.
Còn ông Varun Grover, Giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam cho biết, AI được dự đoán sẽ trở thành công cụ chủ chốt trong việc lên kế hoạch du lịch, với 65% người Việt tin rằng, AI sẽ giúp họ tổ chức chuyến đi trong tương lai. Công nghệ cũng đang làm mới cách thức thưởng thức ẩm thực, với du khách tìm kiếm những trải nghiệm ăn uống “thực tế ảo” (kết hợp giữa thực tế và số hóa).
Bên cạnh thương mại điện tử và du lịch trực tuyến, nền kinh tế số của Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, gọi xe công nghệ, truyền thông trực tuyến và tài chính công nghệ. Các lĩnh vực này đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực.
Liên quan lĩnh vực dịch vụ, thương mại, Thủ tướng chỉ đạo cần chuyển đổi, nâng cấp các ngành dịch vụ bằng công nghệ số, thúc đẩy số hóa, nhất là các ngành có giá trị gia tăng như tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải, du lịch…; mở rộng và thúc đẩy tiêu dùng, kinh doanh số; hình thành hệ sinh thái số trong các chuỗi giá trị thương mại...