'Ngũ thật dụng hiền' – 5 sách lược cốt lõi để thu hút và phát triển người tài

Góp ý với diễn đàn 'Mời gọi và phát triển nhân tài', GS.TS Trần Ngọc Thơ đề xuất sách lược 'Ngũ Thật Dụng Hiền' - phác thảo 5 yếu tố cốt lõi để mời gọi nhân tài về nước cống hiến, ở lại nơi họ thuộc về và phát huy tài năng.

LTS: Ngày 6/7/2025, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo "nóng" của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ "vượt khung" để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu "xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt" cho đội ngũ "tổng công trình sư", "kiến trúc sư trưởng", những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.

Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành hiện thực, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI để tiếp nhận ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước.

Trong bài viết góp ý với diễn đàn "Mời gọi và phát triển nhân tài" dưới đây, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, đề xuất sách lược toàn diện mang tên “Ngũ Thật Dụng Hiền”, phác thảo 5 yếu tố cốt lõi để mời gọi nhân tài về nước cống hiến, ở lại nơi họ thuộc về và phát triển tài năng.

 GS.TS Trần Ngọc Thơ. Ảnh: NVCC.

GS.TS Trần Ngọc Thơ. Ảnh: NVCC.

Người thật - Tuyển người làm được việc, không mời theo danh

Việt Nam không thiếu những người giỏi ngoài nước. Nhưng giỏi chưa đủ. Ta cần người có sản phẩm thật, tư duy hệ thống, từng dẫn dắt dự án lớn. Và quan trọng nhất, có khả năng làm việc trong môi trường Việt Nam.

Danh sách mời không nên xây từ học hàm mà từ dấu vết thành tựu. Cần thành lập một “Hội đồng chọn người có tầm thực thi”, bao gồm chuyên gia Việt kiều, nhà khoa học trong nước, và lãnh đạo tổ chức ứng dụng - để chọn đúng người, không phải người đúng quy trình.

Việc thật - Giao đề bài cụ thể, gắn quyền và trách nhiệm

Người tài không cần nhiều lời ca ngợi, họ cần một đề bài đủ thách thức, đủ quyền để làm, và đủ dữ liệu để ra quyết định.

Thay vì mời về làm “cố vấn chung”, cần giao rõ từng người gắn với một sứ mệnh rõ ràng, ví dụ thiết kế hệ thống dữ liệu nông nghiệp quốc gia, hay mở chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn… Mỗi người một trận địa. Và phải có quyền ký, quyền kiến nghị và quyền thử nghiệm thể chế trong phạm vi được bảo hộ.

Đãi ngộ thật - Rõ ràng, đáng sống, không vòng vo

Đãi ngộ không chỉ là tiền lương – mà là sự an tâm để sống và làm việc. Mỗi chuyên gia cần một bảng cam kết đãi ngộ minh bạch: mức thu nhập thực nhận, nhà ở dịch vụ, bảo hiểm quốc tế, quyền học hành cho con, và đầu mối xử lý hành chính cá nhân trong vòng 30 ngày.

Không để chuyên gia phải đoán xem mình sẽ được gì. Sự mập mờ sẽ làm xói mòn niềm tin. Đãi ngộ không cần hào nhoáng, chỉ cần chắc chắn và tôn trọng.

Tác động thật - Có sản phẩm, có chuyển giao, có thay đổi

Tiêu chí mời không nên là “bao nhiêu bài báo quốc tế, mà là người ấy để lại gì: một mô hình được nhân rộng, một lớp học trò làm được việc, một sáng chế đi vào thị trường.

Bộ máy nên có cơ chế “xem lại sau 18 tháng” – đánh giá tác động thật của từng chuyên gia, không chỉ bằng chỉ số mà bằng câu hỏi: Nếu không có họ, việc ấy có thể xảy ra không?

Tâm thật - Bộ máy phải dám dùng, dám bảo vệ, dám sửa luật

“Tâm thật” là tầng sâu nhất - không ở chuyên gia, mà ở chính bộ máy. Có dám giao việc? Có dám bỏ qua vài quy trình để họ làm nhanh? Có dám bảo vệ họ trước sức ì hành chính?

Người tài không sợ khó - họ chỉ sợ bị nghi ngờ, bị gạt ra rìa, hoặc bị bóp nghẹt bởi lòng đố kỵ. Cho nên, mỗi địa phương/mỗi bộ mời chuyên gia, cũng phải có “người bảo trợ thể chế”, chịu trách nhiệm gỡ chướng ngại, bảo vệ quyền tự do học thuật, và báo cáo trực tiếp lên Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng.

 GS.TS Trần Ngọc Thơ nói rằng khi người giỏi về nước và cảm thấy mình thuộc về, đó là lúc đất nước bước vào một chu kỳ tăng trưởng không còn dựa vào đất mà dựa vào trí tuệ

GS.TS Trần Ngọc Thơ nói rằng khi người giỏi về nước và cảm thấy mình thuộc về, đó là lúc đất nước bước vào một chu kỳ tăng trưởng không còn dựa vào đất mà dựa vào trí tuệ

Dụng hiền không phải là phong trào – mà là thiết kế dài hơi

“Ngũ Thật Dụng Hiền” không phải là khẩu hiệu mà là một cơ cấu vận hành. Nó không chỉ giúp tuyển đúng 100 người đầu tiên, mà mở ra một tiền lệ thể chế: Việt Nam biết dùng người tài, trọng năng lực, và tôn trọng con người.

Khi người giỏi về nước và cảm thấy mình thuộc về, đó là lúc đất nước bước vào một chu kỳ tăng trưởng không còn dựa vào đất mà dựa vào trí tuệ.

“Ngũ Thật Dụng Hiền” không chỉ là một mô hình tuyển dụng, mà là một tuyên ngôn thể chế: Việt Nam sẵn sàng chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy sử dụng, từ trọng bằng cấp sang trọng năng lực, từ mời gọi sang trao quyền. Khi người giỏi về nước và cảm thấy mình được tin tưởng, được bảo vệ, được sống và làm việc đúng với giá trị của mình – đó là lúc đất nước bước vào một chu kỳ phát triển mới, không còn dựa vào tài nguyên mà dựa vào trí tuệ. Và đó cũng là lúc chúng ta thực sự biết cách “dụng hiền”.

Lời mời góp ý với DIỄN ĐÀN MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI

Tạp chí điện tử VietTimes trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vui lòng gửi bài viết và ý kiến về diễn đàn “MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” theo địa chỉ: toasoan@viettimes.vn

Quỳnh An (Ghi)

GS.TS Trần Ngọc Thơ

GS.TS Trần Ngọc Thơ

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ngu-that-dung-hien-5-sach-luoc-cot-loi-de-thu-hut-va-phat-trien-nguoi-tai-post187828.html
Zalo