Ngủ gật sau tay lái - Hiểm họa thầm lặng trên mọi cung đường

Trong nhịp sống bận rộn, với áp lực từ công việc, lịch trình dày đặc, có những tài xế rơi vào tình huống 'mượn đường làm giường ngủ', đặt tính mạng bản thân và người khác vào tình thế hiểm nguy.

Giấc ngủ ngắn, hậu quả dài

Tài xế ngủ gật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Những giấc ngủ bất chợt hoặc một trạng thái khác là "giấc ngủ trắng" (mắt vẫn mở nhưng cơ thể rơi vào vô thức) thường xảy đến chỉ trong tích tắc nhưng hậu quả của nó có thể là khôn lường. Khi uống rượu bia rồi lái xe, tài xế có thể bị phấn khích hoặc trở nên kém tập trung, xử lý tình huống chậm. Nhưng khi buồn ngủ, tài xế thậm chí còn mất cả ý thức về việc mình đang lái xe.

Minh họa: Nguyễn Dương.

Minh họa: Nguyễn Dương.

Thời gian qua ghi nhận liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tình trạng sức khỏe của các tài xế không ổn định, trong đó có lý do ngủ gật sau vô lăng. Cách đây không lâu, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam Nguyễn Ngọc H. (27 tuổi, ngụ xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ (cũ)) để điều tra về tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo điều tra, do ngủ gật, Nguyễn Ngọc H. đã điều khiển xe tải chạy lấn làn, tông vào xe khách 16 chỗ chạy ngược chiều, va chạm với một xe máy rồi lao vào nhà dân. Hậu quả khiến 2 người tử vong, chiếc xe khách bị hư hỏng nặng.

Cũng vì nguyên nhân mỏi mệt và buồn ngủ, tại Đắk Lắk từng xảy ra vụ tai nạn tài xế xe tải lấn làn lao thẳng vào xe khách khiến 13 người thương vong. Tại Hải Dương, tài xế đâm vào đoàn người đi viếng đám tang khiến 8 người tử vong. Hay vụ tai nạn tại Quảng Nam khi xe khách 16 chỗ trên đường đi rước dâu thì va chạm với xe container khiến 13 người thiệt mạng…

Thực tế, đối với tình trạng ngủ gật sau tay lái thì tài xế xe khách, xe container, xe tải đường dài thường là nhóm nguy cơ cao. Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài liên tục mà không có người thay, hoặc lái xe vào các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể đòi nghỉ ngơi; hoặc sau một đêm ngủ ít hơn bình thường, làm việc quá sức, hoặc sau khi uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ... và một vài nguyên nhân khác.

Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan ngủ gật và “giấc ngủ trắng” đã để lại hậu quả nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng dường như vẫn còn một bộ phận tài xế chưa ý thức được tính chất nguy hiểm của vấn đề này.

Giới hạn an toàn

Việc phòng tránh tai nạn do tài xế ngủ gật đòi hỏi sự cảnh giác và trách nhiệm từ nhiều phía; tuy nhiên, trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về người lái xe. Cường độ làm việc quá cao dẫn đến tài xế không có thời gian nghỉ ngơi, ngủ không đủ giấc là nguyên nhân chính.

Việc đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi, không lái xe khi buồn ngủ và sử dụng các biện pháp kỹ thuật có thể giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Quy định giới hạn giờ làm việc với tài xế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến. Tại Mỹ, tài xế chuyên chở hàng hóa chỉ được lái xe tối đa 11 tiếng sau khi nghỉ 10 tiếng liên tục trước đó. Với tài xế chuyên chở hành khách, chỉ được phép lái tối đa 10 tiếng sau khi nghỉ 8 tiếng liên tục trước đó. Nếu bị phát hiện làm việc 60 tiếng/tuần, tài xế sẽ buộc phải nghỉ ngơi cho tới khi tích lũy đủ số thời gian nghỉ để tiếp tục lái xe.

Qua quá trình kiểm tra ngẫu nhiên, cảnh sát hoặc thanh tra phát hiện dấu hiệu sai phạm về thời gian làm việc, tài xế sẽ bị buộc phải nghỉ ngơi cho tới khi tích lũy đủ số giờ nghỉ để tiếp tục lái xe. Trong trường hợp liên tục tái phạm thì sẽ bị phạt tiền.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 tiếng/ngày và không lái xe liên tục quá 4 tiếng. Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã bổ sung thêm thời gian làm việc trong một tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Trong đó, thời gian lái xe của người lái ô tô không quá 10 tiếng/ngày và không quá 48 tiếng/tuần; lái xe liên tục không quá 4 tiếng và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

Chiếc xe tải trong vụ tai nạn giao thông khiến 8 người tử vong ở Hải Dương. (Ảnh: Dân Trí)

Chiếc xe tải trong vụ tai nạn giao thông khiến 8 người tử vong ở Hải Dương. (Ảnh: Dân Trí)

Nếu vi phạm quy định thời gian lái xe, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Đối với chủ phương tiện giao xe hoặc để nhân viên điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng. Các điều khoản này áp dụng cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải cũng như vận tải nội bộ.

Tài xế ngủ gật trong khi lái xe có tác động lớn đến an toàn giao thông. Việc hạn chế tình trạng này không chỉ thuộc về trách nhiệm cá nhân tài xế, mà còn liên quan đến đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan quản lý...

Mỗi tài xế, trước tiên hãy là người có trách nhiệm với chính công việc của mình. Đảm bảo sức khỏe và ngủ đủ trước khi lái xe, đặc biệt là trên các hành trình dài; từ chối lái xe khi không đủ tỉnh táo, hoặc yêu cầu thay ca nếu cảm thấy buồn ngủ. Không sử dụng chất kích thích hoặc thuốc gây buồn ngủ trước và trong khi lái, đồng thời, chủ động nghỉ ngơi trong quá trình di chuyển dài. Nếu đang lái xe trên cao tốc thì việc tấp vào lề đường để nghỉ tạm không phải là điều dễ dàng. Khi đó, có thể áp dụng cách hạ cửa kính nhằm lưu thông không khí trong xe, giảm mệt mỏi...

Về phía các đơn vị kinh doanh vận tải, cần chú trọng điều kiện về sức khỏe lái xe, thời gian khám định kỳ, đột xuất cũng như quy định giới hạn khoảng độ tuổi đối với các tài xế một cách hợp lý, khoa học. Thiết kế ca/kíp hợp lý, không để tài xế làm việc quá sức.

Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc. Sử dụng thiết bị cảnh báo lệch làn, chống va chạm hỗ trợ trong tình huống tài xế mất tập trung hay vòng đeo thông minh hoặc cảm biến sinh học (Đo nhịp tim, tần suất chớp mắt, trạng thái buồn ngủ). Ngoài dùng thiết bị GPS kết hợp AI nhận diện dấu hiệu bất thường trong hành vi lái, cần kết hợp đào tạo định kỳ, lồng ghép huấn luyện về an toàn khi lái đường dài, dấu hiệu buồn ngủ, cách xử lý…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ngoài xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ đạt chuẩn, đảm bảo về số lượng và chất lượng trên phạm vi toàn quốc, có thể yêu cầu kiểm tra sức khỏe định kỳ bắt buộc đối với các tài xế. Tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải về điều kiện lao động và thời gian làm việc của tài xế; tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn giao thông liên quan đến tình trạng buồn ngủ khi lái xe. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về giờ làm việc, nghỉ ngơi.

Vũ Đậu

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ngu-gat-sau-tay-lai-hiem-hoa-tham-lang-tren-moi-cung-duong-484710.html
Zalo