Ngôn ngữ GenZ: đừng nên vui quá

Thế hệ trẻ, với sự vô tư, với đầu óc cởi mở, với cả sự hóm hỉnh đầy thú vị của mình luôn tạo ra ngôn ngữ riêng của họ trong sinh hoạt thường ngày. Thoạt nghe, những người ở thế hệ trước chắc chắn sẽ không hiểu những người trẻ nói gì. Song, khi đã hiểu ra rồi, có khi thế hệ trước sẽ bật cười và thậm chí còn bắt chước sử dụng những ngôn ngữ mới ấy.

"Gato" là một ví dụ điển hình. Là sự ghép lại của những chữ cái đầu trong cụm "Ghen ăn tức ở", giờ đây gato đã có thể được xem như một từ mới có nghĩa.

Song, không phải trường hợp ngôn ngữ mới nào của thế hệ trẻ cũng có thể trở thành một mục từ mới mà cộng đồng có thể sử dụng rộng rãi một cách chính thống. Có không ít những từ ngữ mới theo cách dùng của thế hệ trẻ có thể lý thú với họ và nhiều người, có thể được nói thông tục như kiểu một dạng tiếng lóng nhưng không nên được sử dụng trong các sản phẩm văn hóa chính thức bởi độ sai lệch ngữ nghĩa đáng ngại của nó.

Đặc biệt, nếu người sử dụng những ngôn ngữ sai lệch ấy trong các văn hóa phẩm chính thức lại là những người nổi tiếng, có khả năng dẫn dắt một lượng công chúng. Hậu quả của sự quá trớn ấy có thể sẽ khiến những người trẻ hơn nữa, mới ở độ tuổi còn ngồi ghế phổ thông, sẽ hiểu sai hoàn toàn và dẫn tới suy thoái từ vựng tiếng Việt trong tương lai.

Ví dụ gần nhất là từ "vô tri". Vốn dĩ là một từ Hán Việt có ngữ nghĩa ám chỉ trạng thái không có khả năng tư duy, không có khả năng nhận thức, không có chánh tư duy (theo triết lý nhà Phật) nhưng hiện tại được GenZ dùng với nghĩa để trêu ghẹo, để trào lộng, thậm chí để tự nhạo bản thân mình với nghĩa như một tính từ chỉ sự vô nghĩa, ngây ngô, thậm chí là cả sự ung dung, tự tại tới mức không quan tâm tới xung quanh.

Ví dụ, nếu một người trẻ rơi vào tình huống dở khóc dở cười, hơi khó xử một chút, bạn trẻ ấy có thể hồn nhiên kể lại với bạn bè rằng: "Ôi, lúc đấy tớ vô tri luôn". Cách dùng từ như vậy nghe dí dỏm thực sự nhưng nếu nó chỉ tồn tại thông tục trong đời sống như một cách nói lóng thì không sao. Song, khi nó được xuất bản chính thức trong một ca khúc mới ra mắt gần đây có tên "Điều vô tri nhất" thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Những người hâm mộ của nghệ sĩ và tác giả ca khúc này hoàn toàn có thể hiểu cái "vô tri" tiếng lóng kia đang có nghĩa chính thống là như vậy và dẫn tới tình trạng dùng từ sai tràn lan sau này.

Một thời, có rất nhiều bài viết nhằm chấn chỉnh lại cách dùng từ sai của người Việt với các từ như "cứu cánh", "yếu điểm"... và nỗ lực ấy cho đến giờ vẫn có thể được xem là chưa thành công. Trong bối cảnh như vậy, việc giữ cho tiếng Việt trong sáng sẽ càng khó khăn hơn, cần bớt đi các thử thách mới qua các cách dùng từ ngữ sai lệch mới như ví dụ kể trên. Điều khá buồn là có một bộ phận không nhỏ những người làm việc liên quan đến ngôn ngữ lại thờ ơ với cái sai lệch ấy, thậm chí còn có nhiều trang tin điện tử điềm nhiên sử dụng lại cách dùng sai lệch như thêm phần khẳng định tính chính thống của chúng trong cộng đồng.

Tóm lại, nếu không có ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta sẽ chỉ càng tạo ra những thế hệ "vô tri" trước thứ tiếng mẹ đẻ được cha ông truyền lại cả ngàn năm nay.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ngon-ngu-genz-dung-nen-vui-qua-i736249/
Zalo