Ngoại giao kinh tế cần tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Tối 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng cuối năm 2024.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo các cơ quan đại diện.

Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

 Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Theo đánh giá tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai bài bản, hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội. Ngoại giao kinh tế đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng. Đồng thời góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thảo thuận mới.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt là công tác nghiên cứu phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 là một trong những ưu tiên hàng đầu.

 Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các tỉnh, thành trên cả nước và đại diện các cơ quan ngoại giao trên thế giới.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các tỉnh, thành trên cả nước và đại diện các cơ quan ngoại giao trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng cuối năm. Trước hết là triển khai đồng bộ hiệu quả, thực chất hoạt động ngoại giao, tạo sự tin cậy chính trị, môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, triển khai cơ chế hợp tác quốc tế, quyết liệt giải quyết vướng mắc, tăng cường cụ thể hóa thành các chương trình, dự án cụ thể, các cam kết lớn.

Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng mới, tăng cường mở rộng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, thúc đẩy ký kết hợp tác thương mại tự do với các đối tác mới. Chú trọng thông tin hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thông lệ mới của quốc tế. Đẩy mạnh ngoại giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, mở rộng không gian cho phát triển kinh tế. Tranh thủ hiệu quả nguồn lực, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Đẩy mạnh hội nhập, liên kết hợp tác kinh tế quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, chuẩn bị tốt cho các hoạt động đối ngoại đa phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nâng cao hơn nữa tính nhạy bén, kịp thời tham mưu, phát hiện xu thế mới, xu thế lớn của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, cập nhật kinh nghiệm điều hành kinh tế các nước; tham mưu các ngành, địa phương thích ứng xu thế mới của kinh tế quốc tế.

Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại các nước cho biết hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta từ đầu năm đến nay đều được các nước đánh giá cao và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa với nước ta. Đại sứ tại các nước cũng thông tin về các yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024; đề xuất các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng truyền thống (đầu tư, thương mại, du lịch); đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để tạo đột phá trong các động lực tăng trưởng mới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn 6,5% - 7%, vì vậy phải tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao tập trung kết nối, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đẩy mạnh kết nối các nền kinh tế thế giới với nền kinh tế nước ta, các doanh nghiệp thế giới với Việt Nam, các địa phương của nước ta với các địa phương của các nước trên thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, các địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng, hình thức sản phẩm, đặc sản, hàng truyền thống, bên cạnh đó tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm xanh theo yêu cầu các nước, các thị trường trên thế giới. Doanh nghiệp kết nối với cơ quan ngoại giao để truyền tải năng lực, khả năng cung ứng sản phẩm của chúng ta với thế giới, tập trung vào những gì thế giới cần.

Các bộ, ngành định hướng sự phát triển, quy hoạch nguyên liệu, vùng phát triển để hàng hóa đủ khả năng cạnh tranh, phù hợp xu hướng thế giới. Nắm bắt thông tin, đề xuất chính sách kịp thời với tinh thần luôn luôn sẵn sàng, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do, hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu.

Các cơ quan đại diện ngoại giao nắm bắt sát tình hình các biện pháp phòng vệ của các nước để sớm tháo gỡ cho doanh nghiệp trong nước. Phát hiện cơ hội, tận dụng mọi cơ hội cho phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả nguồn lực đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.

6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tỉnh Lào Cai đặt trọng tâm vào việc xây dựng và phát triển quan hệ ngoại giao láng giềng, theo đó chú trọng triển khai nhiều hoạt động đối ngoại thực chất, hiệu quả trên nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động đối ngoại thuộc 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được triển khai đồng thời, tích cực, tạo tiền đề và cơ sở để thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

 Đoàn đại biểu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khảo sát các dự án kết nối qua biên giới tại Lào Cai.

Đoàn đại biểu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khảo sát các dự án kết nối qua biên giới tại Lào Cai.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung hợp tác đã ký kết, đồng thời ký Phụ lục gia hạn Thỏa thuận khung hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp).

Tỉnh Lào Cai đã tổ chức đoàn đại biểu do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn thăm, làm việc tại Nhật Bản.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực tăng cường công tác trao đổi, kết nối với Đại sứ quán các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... tại Việt Nam, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tỷ trọng hàng hóa thông quan qua khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai tăng dần đều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1.506,14 triệu USD, tăng 51,55% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ngoai-giao-kinh-te-can-tap-trung-thuc-day-cac-dong-luc-tang-truong-moi-post387191.html
Zalo