Ngoại giao công nghệ: Mở cánh cửa mới trong kỷ nguyên vươn mình

Ngoại giao công nghệ là cánh cửa mới để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên số của nhân loại.

Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với việc nhanh chóng tiếp thu, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới… là mục tiêu mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang mạnh mẽ đưa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (của Bộ Chính trị) vào cuộc sống. Với nền tảng và nguồn lực hiện tại, ngoại giao công nghệ là cánh cửa mới để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên số của nhân loại.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hạnh

Nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hạnh

Mở cánh cửa mới trong thời đại số

Trong thời đại toàn cầu hóa về công nghệ, kể cả các quốc gia có tiềm lực mạnh như Mỹ, Nga, Trung Quốc… cũng không thể “đơn thương độc mã” trên con đường của nhân loại, bởi lẽ sự phát triển bền vững được hình thành từ hợp tác và sẻ chia. Mặt khác, mang khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên số, Việt Nam càng không thể đứng ngoài xu thế thời đại. Vấn đề là có thể tận dụng được lợi thế vượt trội của mỗi quốc gia, dân tộc để tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển trong một “thế giới phẳng” mà trí tuệ, năng lực sáng tạo và công nghệ số là nền tảng hay không? Đây cũng là vấn đề đặt ra với ngoại giao công nghệ.

Với những chính sách, mô hình khác nhau, nhiều quốc gia trên thế giới đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ, mang lại không ít thành công trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Trong đó, Nhật Bản có thể xem là quốc gia tiên phong về ngoại giao công nghệ.

Ngay sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã ký thỏa thuận song phương về nghiên cứu và phát triển (R&D) với Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới để phát triển công nghệ tự động hóa, thiết bị viễn thông… Đồng thời, Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị thế với mạng lưới đối tác công nghệ xanh và trí tuệ nhân tạo.

Còn Hàn Quốc vượt trội với mô hình “Digital New Deal”, thúc đẩy ngoại giao công nghệ trong lĩnh vực dữ liệu lớn và văn hóa số…

Đặc biệt, với chiến lược “Made in China 2025”, Trung Quốc đã chủ động thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao trong các lĩnh vực AI, bán dẫn, viễn thông, robot…

Ở điểm nhìn khác, Phần Lan nổi lên như một hình mẫu ngoại giao công nghệ dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và giá trị đạo đức. Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới xác lập chức danh “Đặc phái viên ngoại giao công nghệ” trong các diễn đàn thế giới như: Diễn đàn Internet toàn cầu, AI toàn cầu, Liên minh về Quyền số…

Và ấn tượng nhất với giới chuyên gia là “Elements of AI”, một chương trình trực tuyến miễn phí về AI được triển khai năm 2018 với mục tiêu hỗ trợ một phần nhỏ người Phần Lan kiến thức cơ bản về AI. Sau đó, quốc gia này đã “xuất khẩu tri thức mềm” qua việc tặng khóa học này cho công dân các nước Liên minh châu Âu như một “món quà tri thức” vào năm 2019. Giờ đây “Elements of AI” đã có mặt tại 170 quốc gia.

Ở Việt Nam, ngoại giao công nghệ vẫn là một khái niệm mới dù từ nhiều năm trước, các cơ quan chức năng đã triển khai không ít chương trình hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dấu mốc được ghi nhận trong Chiến lược đối ngoại đến năm 2030 khi đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, an ninh mạng, công nghệ số. Và năm 2023, Bộ Ngoại giao đã thành lập Nhóm công tác về ngoại giao số và ngoại giao công nghệ.

Như vậy, bước vào kỷ nguyên công nghệ số, Việt Nam đã định hình rõ nét khái niệm ngoại giao công nghệ trên nền tảng ngoại giao khoa học truyền thống, qua đó đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược ngoại giao công nghệ mang tầm quốc gia, cũng như thiếu tiếng nói xứng tầm trong các tổ chức quốc tế về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… và những chuẩn mực vận hành trong “luật chơi” toàn cầu.

Hoạch định chiến lược từ tầm nhìn mới

Với mong muốn trở thành một quốc gia công nghệ sánh vai với các “cường quốc năm châu”, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình, kết nối với nhiều quốc gia để hiện thực hóa khát vọng trở thành một phần không thể thiếu trong “sân chơi công nghệ toàn cầu”.

Cùng với việc ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học chung với các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… hay những quốc gia có nền tảng công nghệ phát triển như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam đã tham gia và có vị thế ngày càng cao tại nhiều diễn đàn công nghệ khu vực và toàn cầu, như: Diễn đàn kinh tế số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Và, cùng với việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm mục đích tạo “sân chơi”, hội tụ các nhà đầu tư, công ty công nghệ quốc tế…, Việt Nam đã tăng cường hoạt động tiếp xúc với doanh nghiệp công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các startup quốc tế…

Nhiều cơ hội đang mở ra cùng nỗ lực hợp tác đa chiều, đa mục tiêu. Tuy nhiên, để vươn lên cùng xu thế phát triển của thời đại, các nhà hoạch định cần đưa ra những chính sách, mô hình phù hợp. Nói cách khác, Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm quốc gia về ngoại giao công nghệ - được hình thành từ tầm nhìn và tư duy mới, với khung chính sách rõ ràng, những mục tiêu trước mắt và dài hạn cũng như thứ tự ưu tiên trên từng lĩnh vực: AI, bán dẫn, năng lượng sạch, an ninh mạng…

Trong hàng loạt việc cần làm để thúc đẩy ngoại giao công nghệ, chúng ta cần ưu tiên xây dựng đội ngũ chuyên trách có khả năng tiếp cận công nghệ cao, năng lực kết nối… tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phát triển mạng lưới trí thức kiều bào làm cầu nối cho hợp tác R&D, khởi nghiệp công nghệ, thu hút đầu tư.

Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu não về đổi mới sáng tạo, lại có một hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm khoa học hàng đầu của đất nước. Cho nên, Hà Nội cần định hình rõ vai trò của ngoại giao công nghệ như một cánh cửa mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia ngoại giao và khoa học công nghệ, Hà Nội cần hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế, là nơi thử nghiệm, trình diễn, quảng bá, giao thương công nghệ mới, cũng là nơi các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia có thể đặt văn phòng…

Cùng với đó là việc tổ chức một bộ phận kết nối ngoại giao công nghệ, trực thuộc thành phố, làm đầu mối liên kết các cơ quan chức năng trong lĩnh vực ngoại giao và công nghệ; đồng thời xây dựng cổng dữ liệu đổi mới sáng tạo của Hà Nội trên nền tảng số kết nối startup, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu...

Thành phố cũng có thể thí điểm mô hình “Innovation Attaché” (tùy viên đổi mới sáng tạo) để trực tiếp tư vấn, liên kết các đối tác. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc là điểm tựa để thực hiện những ý tưởng này.

Giới khoa học công nghệ cũng mong muốn, thành phố chủ động hơn nữa trong việc ký kết, triển khai thỏa thuận hợp tác với các quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, cũng như xây dựng những chương trình “soft landing” ("hạ cánh mềm") cho các startup.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần tổ chức “tuần lễ công nghệ” với những sự kiện quy mô lớn về AI, thành phố thông minh, công nghệ xanh…, có sự tham gia của các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung tiếp cận với công nghệ mới, công nghệ số và giới thiệu startup Việt Nam ra thế giới…

Là Thủ đô của một quốc gia mang trong mình khát vọng sánh vai với các cường quốc trong thời đại số, Hà Nội gánh vác một trách nhiệm lớn lao - tạo bước đột phá về ngoại giao công nghệ, mở cánh cửa mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ngoại giao công nghệ (Technology Diplomacy) là hoạt động ngoại giao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian số và sân chơi công nghệ toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ và sự gia tăng vai trò của các công ty công nghệ xuyên quốc gia, ngoại giao công nghệ đã được hình thành tại nhiều nước phát triển dưới dạng các thỏa thuận song phương hoặc đa phương về chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu và hiện tại là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia.

Thế Phương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngoai-giao-cong-nghe-mo-canh-cua-moi-trong-ky-nguyen-vuon-minh-709301.html
Zalo