Ngoại giao Ấn Độ: Sôi động trở lại với nhiều toan tính
Khi Quốc hội bắt đầu kỳ nghỉ, Ấn Độ khởi động 3 hoạt động ngoại giao lớn chỉ trong 5 ngày, gồm chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Malaysia, đối thoại 2+2 với Nhật Bản và Thủ tướng Narendra Modi công du châu Âu.
Nỗ lực hàn gắn rạn nứt
Một tuần sau phiên họp Quốc hội Ấn Độ kết thúc, sự hiện diện của Thủ tướng Anwar Ibrahim tại đất nước sông Hằng từ ngày 19-21/8 sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và nhậm chức người đứng đầu chính phủ Malaysia vào năm 2022. Theo báo The Hindu, ông Anwar Ibrahim sẽ “mượn” chuyến thăm này để cố gắng xoa dịu một số vấn đề “bằng mặt không bằng lòng” giữa các chính phủ Malaysia trước đây với Ấn Độ dẫn đến căng thẳng trong quan hệ song phương.
Ông Anwar Ibrahim, được xem là một nhà cải cách ôn hòa, đã đến New Delhi vào năm 2019 với tư cách là thành viên của chính phủ dưới thời ông Mahathir Mohamad, người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với quốc gia Nam Á.
Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad đã đặt ra nhiều vấn đề với Ấn Độ, khi công khai chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi về những thay đổi ở vùng Jammu & Kashmir hay cuộc đàn áp những người phản đối Dự luật sửa đổi quyền công dân. Chính phủ của ông Mahathir Mohamad cũng từ chối yêu cầu dẫn độ nhà truyền giáo đạo Hồi lưu vong Zakir Naik, người bị truy nã ở Ấn Độ với cáo buộc hoạt động khủng bố. Để trả đũa động thái của Malaysia, Ấn Độ đã hủy nhập khẩu dầu cọ - mặt hàng chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này.
The Hindu cũng nhắc lại quyết định của Ấn Độ giam giữ 2.500 người nước ngoài từ 45 nước, chủ yếu Malaysia và Indonesia, đến New Delhi tham dự hội nghị "Tablighi Jamaat" vào năm 2020 làm xáo trộn quan hệ song phương.
Tuy nhiên, với chiến thắng của ông Anwar Ibrahim, hai nước đã và đang trải nghiệm mối quan hệ mới "ngọt ngào" hơn với những phát triển tích cực. Trong chuyến thăm Kuala Lumpur vào đầu năm nay, Ngoại trưởng S. Jaishankar đã ca ngợi "tầm nhìn" của nhà lãnh đạo Malaysia về một chương trình nghị sự song phương đầy tham vọng.
Chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Kuala Lumpur (từ ngày 18-20/6), hai bên ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hướng tới cộng đồng Trung Quốc-Malaysia cùng chung tương lai. The Hindu cho biết, ông Anwar Ibrahim nói rằng Trung Quốc là “người bạn thực sự” khi Thủ tướng Lý Cường kết thúc chuyến thăm.
Tăng hàm lượng chiến lược
Trùng thời điểm với chuyến thăm của Thủ tướng Anwar Ibrahim, Ngoại trưởng S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh sẽ hội đàm 2+2 với những người đồng cấp Nhật Bản là Ngoại trưởng Kamikawa Yoko và Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara tại New Delhi vào ngày 20/8.
Hai bên sẽ thảo luận về quan hệ chiến lược Ấn Độ-Nhật Bản cũng như hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Bộ tứ. Cả hai nước đều mong muốn tăng cường quan hệ an ninh, trong đó có mở rộng các cuộc tập trận chung và thúc đẩy hợp tác về thiết bị quốc phòng.
Các Bộ trưởng cũng sẽ trao đổi về tình hình Bangladesh, nơi Ấn Độ và Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ trong một số dự án cơ sở hạ tầng như một phần của chiến lược "Tương lai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Bên cạnh tình hình Ukraine và Trung Đông, các chủ đề hợp tác an ninh mạng và chống biến đổi khí hậu cũng dự kiến được đưa ra tại đối thoại.
Đối thoại 2+2 lần này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ (Quad) lên lịch vào vài tháng tới có vẻ gặp khó khăn do cuộc chiến giành quyền lãnh đạo của chính ông Kishida trong Đảng Dân chủ tự do cầm quyền vào cuối tháng 9 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Các Bộ trưởng dự kiến sẽ thảo luận về thời điểm sớm nhất có thể để Ấn Độ đăng cai hội nghị quan trọng này.
Tính lịch sử và cân bằng
Chỉ vài tuần sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Narendra Modi, New Delhi đang hoàn thiện kế hoạch cho chuyến thăm sắp tới của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Ba Lan và Ukraine.
Ông Modi dự kiến tới thủ đô Warsaw từ ngày 21-22/8, hội đàm song phương với Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk. Mục đích của chuyến thăm là tăng cường quan hệ với Ba Lan, nơi Ấn Độ gần đây mới bổ nhiệm vị trí Tùy viên Quốc phòng sau nhiều năm để trống.
Economic Times cho hay, Ba Lan là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Trung và Đông Âu. Dự kiến trong chuyến thăm này, hợp tác công nghệ sẽ được chú trọng nhiều hơn, vì quốc gia thành viên Liên minh châu Âu này nổi tiếng với công nghệ tiên tiến trong ngành thực phẩm.
Đáng chú ý, theo Hindustan Times, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ba Lan, sau chuyến thăm của ông Morarji Desai vào năm 1979. Trước đó, cả hai Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Indira Gandhi đều đã đến thăm đất nước này.
Tới thủ đô Kiev vào ngày hôm sau, ông Modi sẽ hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, người từng chỉ trích gay gắt chuyến đi Moscow vào tháng trước của ông Modi. Theo The Hindu, chuyến thăm này phá vỡ nhận thức ở Ukraine cũng như Mỹ và các nước phương Tây rằng Ấn Độ đang có lập trường thiên vị trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi này.
Hồi đầu năm 2024, Tổng thống Zelensky đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Modi và gửi lời mời ông đến thăm Ukraine. Như vậy, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Ấn Độ ngày càng bị kẹt giữa hai thế khó. Quan hệ ấm lên với phương Tây trong những năm gần đây, đặc biệt là khi căng thẳng biên giới gia tăng với Trung Quốc, song đồng thời, Ấn Độ không thể phủ nhận mối quan hệ chiến lược với Nga, bất kể điều này có làm mếch lòng Mỹ.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi có thể sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ Nga, giống như chuyến thăm Moscow của ông đã khiến Mỹ tức giận. Thách thức đối với ngoại giao Ấn Độ là phải hiệu chỉnh thông điệp riêng của mình để xoa dịu mối quan ngại từ cả hai nước, đồng thời cho thấy chuyến đi như một sáng kiến mới táo bạo.
Thực hiện được điều này sẽ là một chiến thắng địa chính trị. Nhưng nếu diễn ra không như mong đợi, chuyến thăm có thể gây ra thiệt hại không thể tính toán được cho vị thế toàn cầu của Ấn Độ.