Nghiên cứu Trung Quốc công bố tác dụng phụ của hóa trị với tế bào ung thư
Theo báo South China Morning Post, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện ra rằng phương pháp hóa trị ung thư thông thường có thể làm thức tỉnh các tế bào ung thư 'ngủ đông', khiến ung thư lan từ khối u ban đầu sang các cơ quan khác.
Phát hiện này lý giải vì sao nhiều bệnh nhân ung thư vú đã điều trị thành công khối u nguyên phát nhưng sau đó lại bị di căn sang các cơ quan khác như phổi.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện việc kết hợp một số loại thuốc đặc biệt với hóa trị có thể ngăn chặn được quá trình này trên chuột. Hiện một thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu tiến hành trên bệnh nhân ung thư vú.
Nhóm tác giả viết trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín Cancer Cell ngày 3/7 vừa qua: “Chúng tôi chứng minh được các thuốc hóa trị như doxorubicin và cisplatin thúc đẩy sự tăng sinh và di căn đến phổi của các tế bào ung thư vú đang trong trạng thái ngủ đông. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng trực tiếp về việc thức tỉnh tế bào ngủ đông, tiết lộ cơ chế tác động tiêu cực của hóa trị đối với quá trình di căn, đồng thời đưa ra chiến lược tiềm năng để cải thiện hiệu quả điều trị ung thư”.
Trước đây, một số nghiên cứu ở Mỹ đã ghi nhận rằng việc sử dụng liệu pháp xạ trị liều cao đôi khi lại kích thích khối u thứ phát phát triển mạnh hơn. Hiện tượng tương tự cũng được đặt nghi vấn với hóa trị: dù giúp tiêu diệt khối u ban đầu, phương pháp này đôi khi lại làm ung thư tái phát ở những cơ quan khác.
Nhóm nghiên cứu cho biết các tế bào ung thư lan xa trong cơ thể - gọi là tế bào ung thư phát tán (DTC) - đôi khi được tìm thấy từ rất sớm, ngay trong giai đoạn đầu của bệnh. Những tế bào này có thể "ngủ đông" trong cơ thể nhiều năm, không phát triển hay nhân lên, từ đó dễ dàng tránh được tác động của thuốc hóa trị.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Hồ Quốc Hoành (Hu Guohong) từ Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cùng các cộng sự từ Đại học Phúc Đán và Bệnh viện Tề Lỗ thuộc Đại học Sơn Đông, đã phát triển một phương pháp mới để theo dõi trạng thái ngủ đông của tế bào ung thư.
Kết quả nghiên cứu khẳng định chính các tế bào ung thư ngủ đông bị đánh thức - chứ không phải các tế bào ung thư đang phát triển sẵn có - là nguyên nhân gây di căn khi được kích hoạt bởi hóa trị liệu.
Theo các nhà khoa học, hóa trị gây ra hiện tượng lão hóa tế bào, tức trạng thái tế bào ngừng nhân lên và tiết ra các chất gây viêm. Các tế bào mô liên kết khi bị lão hóa bởi hóa trị liệu sẽ giải phóng ra các protein đặc biệt, kích thích tế bào miễn dịch (bạch cầu trung tính) tạo ra các mạng lưới bên ngoài tế bào, gọi là bẫy ngoại bào của bạch cầu trung tính. Những mạng lưới này thay đổi môi trường trong phổi, tạo điều kiện cho các tế bào ung thư "ngủ đông" tái phát triển.
Ngoài ra, việc tái cấu trúc chất nền ngoại bào - mạng lưới phân tử hỗ trợ và bao quanh tế bào - cũng làm suy yếu các yếu tố ức chế ung thư.
Dựa trên các phát hiện trên, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm kết hợp các loại thuốc diệt tế bào lão hóa (senolytic) - đặc biệt là dasatinib và quercetin - với thuốc hóa trị doxorubicin trên chuột. Kết quả cho thấy các thuốc này làm giảm đáng kể tế bào mô liên kết lão hóa trong phổi, qua đó làm chậm lại quá trình di căn.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Các thuốc senolytic đã cho thấy hiệu quả và độ an toàn khả quan trên lâm sàng, vì thế đây có thể là một chiến lược đầy hứa hẹn và rất đáng được thử nghiệm sâu hơn”.
Hiện một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II đang diễn ra để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của việc kết hợp thuốc senolytics với hóa trị trong điều trị ung thư vú bộ ba âm tính, một dạng ung thư vú xâm lấn mạnh mẽ và không thể chữa trị bằng các liệu pháp hormone thông thường.