Nghiên cứu tối ưu hóa vị trí nhà ga của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 41,83 km, bao gồm 20 ga sẽ kết nối trung tâm TP.HCM đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị dọc tuyến đường sắt.
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tham gia ý kiến về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đoạn qua địa bàn TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 hiện đang được thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác giai đoạn 2025-2026.
“Như vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành GTVT đường sắt nói chung, vùng Đông Nam Bộ, dự thảo các Đồ án TP.HCM đang triển khai nói riêng, phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư của Chính phủ và tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.
Liên quan đến hướng tuyến, UBND TP.HCM cho biết, hướng tuyến được đề cập Báo cáo cuối kỳ của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án về cơ bản là phù hợp với nội dung quản lý không gian đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Quy hoạch chung TP.HCM và Quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM hiện nay đang tiếp tục kế thừa nội dung quy hoạch liên quan.
Do vậy, UBND TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn Thành phố) đi “song song” và đi về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (sát phía ngoài cùng bên phải của đường bộ và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo hướng từ Thành phố đi Đồng Nai) và đi “song song” về bên trái của vành đai 3 TP.HCM (phía bên ngoài của tuyến). Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án cần được bố trí trong phạm vi hành lang đã được xác định từ Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM dọc theo các hành lang này.
Theo UBND TP.HCM, nhà ga Thủ Thiêm là một trong những ga đường sắt đầu mối của TP.HCM, dành cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến đường sắt đô thị số 10 (tuyến metro vành đai ngoài) theo Quy hoạch chung TP.HCM.
Theo Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, ga Thủ Thiêm được dự kiến bố trí trên diện tích khoảng 17,2 ha vì vậy UBND TP.HCM thống nhất về vị trí đặt ga Thủ Thiêm với vai trò, tính chất giao thông quan trọng như đã được xác định trong Quy hoạch.
Về quy mô nhà ga Thủ Thiêm của tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, UBDN TP.HCM cho biết, trước đây, Bộ GTVT đã có Thông báo số 124/TB-BGTVT ngày 14/4.2021, theo đó: “Về quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm: Bộ GTVT sẽ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với thành phố...”.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành công tác này để Thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga.
Được biết, theo Báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trên địa bàn TP.HCM dự kiến sẽ còn được bố trí thêm 7 ga đường sắt nữa cho tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (từ sau ga Thủ Thiêm) với khoảng cách từ 1 - 1,8km.
Theo UBND TP.HCM, việc dự kiến bố trí các nhà ga trên địa bàn thành phố với khoảng cách trung bình như trên về mặt nguyên tắc là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Ban quản lý dự án Đường sắt làm việc với UBND TP. Thủ Đức, để được cung cấp các tài liệu quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị) và các định hướng quy hoạch khác có liên quan.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ dự kiến bố trí vị trí, quy mô của từng nhà ga phù hợp với các quy hoạch phân khu của địa phương, đặc biệt các ga nên được bố trí gần các giao lộ (hiện hữu hoặc quy hoạch), tránh để phát sinh, điều chỉnh trong bước nghiên cứu sau sẽ ảnh hưởng đến các quy hoạch xây dựng đô thị của TP. Thủ Đức.
Liên quan đến vị trí xây dựng depot, UBND TP.HCM cho biết, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được trình các cấp thẩm quyền, Bộ GTVT đã bố trí một depot tại khu vực phường Long Trường, TP. Thủ Đức với diện tích khoảng 60,5 ha (phía trái hành lang đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).
Theo Đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức cũng dự kiến bố trí diện tích khoảng 68 ha cho khu vực với chức năng depot này (tên gọi khác là “depot Tam Đa”). Như vậy, có thể xem xét bố trí thêm một depot phụ cho depot Long Thành của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bên cạnh depot của đường sắt tốc độ cao, để tạo điều kiện khai thác thuận lợi, an toàn hơn cho tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu phát triển TOD tại khu vực xung quanh các nhà ga của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM cho biết là đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì triển khai nội dung này và nghiên cứu tích hợp vào Quy hoạch chung TP.HCM.
“Do đó, đề nghị Bộ GTVT sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm (đã nêu trên) để thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga”, ông Bùi Xuân Cường kiến nghị.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do liên danh TEDI - TEDIS để xuất, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT); tốc độ thiết kế tối đa lựa chọn là 120 km/h trên chính tuyến (90 km/h trong hầm); tốc độ vận hành tối đa là 110 km/h trên chính tuyến (80 km/h trong hầm).
Tính tổng cộng, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 48,23 km, trong đó chiều dài đoạn đường dẫn vào depot Cẩm Đường là 4,4 km; chiều dài tuyến chính là 41,83 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM là 11,75 km, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là 30,84 km. Toàn tuyến có 20 ga (bao gồm cả ga Thủ Thiêm) gồm 16 ga đi trên cao và 4 ga đi ngầm, 2 vị trí depot.
Phương tiện sức kéo của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có tải trọng trục 16T, điện sức kéo 1500 VDC/tiếp điện trên cao; sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Trong giai đoạn 2035 - 2045, tuyến sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa; giai đoạn 2045 - 2055 sử dụng 28 đoàn tàu 4 toa và giai đoạn sau 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa.
Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án là 140,11 ha, trong đó diện tích đất ở bị ảnh hưởng là 3,23 ha, diện tích đất quy hoạch giao thông là 71,05 ha, diện tích đất nông nghiệp rừng sản xuất là 27,2 ha và diện tích các loại đất khác là 38,63 ha; số hộ dân bị ảnh hưởng là 302 nhà.
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến (không bao gồm lãi vay) là 84.752 tỷ đồng, tương đương 3,454 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 5.504 tỷ đồng.
Liên danh TEDI - TEDIS đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức để đầu tư Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ tổ chức triển khai xây dựng từ quý 4/2026 đến năm 2029; tổ chức mua sắm thiết bị, đoàn tàu từ 2028 - 2029; hoàn thành, vận hành thử và khai thác thương mại vào năm 2030.