Nghiên cứu sửa đổi các dự án Luật tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 2/2025

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu một số vấn đề cần lưu ý trong việc chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và chuẩn bị Kỳ họp bất thường.

Ngày 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trình bày Báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 26 ngày.

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 9 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong trường hợp các dự án luật, dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dự kiến xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 7 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 7 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn, dự kiến thông qua 10 luật, 1 Nghị quyết, thảo luận mới 12 luật; do đó cần tính toán kỹ chương trình kỳ họp. Về dự kiến thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống nhất bố trí khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 30/6/2025, có thể làm việc thêm một số ngày thứ 7.

Về Kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội; giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp sửa đổi Nội quy kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến ngay từ bây giờ công tác phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phân công rất cụ thể để nghiên cứu sửa đổi các dự án Luật. Đồng thời, xem xét sửa đổi trước một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp bất thường để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy.

Quốc hội quyết định nhiều nội dung lớn, mang tính lịch sử ở Kỳ họp thứ 8

Tổng kết về Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, sự phối hợp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội từ sớm, từ xa đã xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

Việc sắp xếp chương trình Kỳ họp thứ 8 chặt chẽ, khoa học; điều chỉnh Chương trình Kỳ họp linh hoạt; công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế các Phiên họp; công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đúng quy trình đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Các nội dung trình Quốc hội được các cơ quan soạn thảo chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định nhiều nội dung lớn, mang tính lịch sử (chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân; điều chỉnh chủ trương đầu tưu dự án sân bay Long Thành; cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...).

Việc hoàn thiện các luật, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện theo hướng bảo đảm tính ổn định, giá trị lâu dài của các quy định; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư để triển khai 18 luật, 21 nghị quyết - đây là vấn đề người dân, doanh nghiệp đang mong đợi.

vtv.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nghien-cuu-sua-doi-cac-du-an-luat-tai-ky-hop-bat-thuong-cua-quoc-hoi-vao-thang-22025-post394644.html
Zalo