Nghiên cứu: Số lượng xung đột vũ trang năm 2023 cao nhất kể từ thế chiến thứ II

Nghiên cứu mới được công bố hôm đầu tuần của Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO) của Na Uy mới đây cho thấy một thực tế đáng lo ngại về sự leo thang của bạo lực toàn cầu, khi năm 2023 chứng kiến nhiều xung đột vũ trang trên toàn thế giới hơn bất kỳ năm nào khác kể từ khi kết thúc thế chiến thứ II.

Kỷ lục số lượng xung đột

Theo PRIO, năm 2023 chứng kiến tổng cộng 59 cuộc xung đột vũ trang, trong đó châu Phi là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 28 cuộc xung đột. Tiếp theo là châu Á với 17 cuộc xung đột, Trung Đông (10), châu Âu (3) và châu Mỹ (1). Dữ liệu cho thấy bối cảnh xung đột toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp và nhiều mặt.

Một người lính Ukraine đi bộ ở Mala Rogan, phía Đông Kharkiv. Nguồn: AFP

Một người lính Ukraine đi bộ ở Mala Rogan, phía Đông Kharkiv. Nguồn: AFP

Mặc dù số lượng các cuộc xung đột gia tăng nhưng số lượng các quốc gia xảy ra xung đột lại giảm. Vào năm 2022, 39 quốc gia vướng vào xung đột vũ trang, nhưng con số này giảm xuống còn 34 vào năm 2023. Sự thay đổi trên cho thấy, tuy xung đột ngày càng nhiều nhưng lại tập trung ở ít khu vực hơn.

Cái giá phải trả về con người trong những cuộc xung đột này vẫn còn rất lớn. Theo dữ liệu do Đại học Uppsala của Thụy Điển thu thập từ các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, mặc dù số người chết trong chiến đấu đã giảm một nửa so với năm trước xuống còn khoảng 122.000 người, con số đó vẫn cao thứ ba kể từ năm 1989. Chiến tranh ở Ukraine và xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của người Palestine là những nguyên nhân góp phần đáng kể vào tỷ lệ tử vong cao này.

Xu hướng đáng báo động

Bà Siri Aas Rustad, nhà nghiên cứu tại PRIO và là tác giả chính của báo cáo về các xu hướng trong giai đoạn 1946 - 2023, lưu ý: “Bạo lực trên thế giới đang ở mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”. Rustad nhấn mạnh rằng, bối cảnh của các cuộc xung đột đã trở nên phức tạp hơn, với ngày càng nhiều tác nhân xung đột hoạt động trong cùng một quốc gia. Theo PRIO, sự phức tạp này một phần là do sự lan rộng của nhà nước Hồi giáo trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông, cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều các chủ thể phi nhà nước như Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo (JNIM)- một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên kết với Al-Qaeda.

Theo bà Rustad, “sự phát triển này khiến các chủ thể như các nhóm viện trợ và tổ chức xã hội dân sự ngày càng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh bối cảnh xung đột và cải thiện cuộc sống của người dân bình thường”. Sự hiện diện của nhiều nhóm vũ trang trong cùng một quốc gia đã cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo và thực hiện các sáng kiến xây dựng hòa bình.

Báo cáo nghiên cứu của PRIO nhấn mạnh, trong khi số người chết trong chiến đấu giảm vào năm ngoái, con số tích lũy trong 3 năm qua là cao nhất trong bất kỳ giai đoạn 3 năm nào trong ba thập kỷ qua. Xu hướng đáng báo động này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các chiến lược giải quyết xung đột hiệu quả và hợp tác quốc tế nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những xung đột đó.

Nói chung, nghiên cứu của PRIO và dữ liệu từ Đại học Uppsala đưa ra một bức tranh nghiệt ngã về hòa bình và an ninh toàn cầu vào năm 2023. Sự gia tăng số lượng các cuộc xung đột và sự phức tạp của chiến tranh hiện đại đặt ra những thách thức đáng kể đối với các nỗ lực hòa bình quốc tế. Việc giải quyết những vấn đề này đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt, bao gồm các chiến lược ngoại giao, nhân đạo và an ninh để giảm thiểu tác động của xung đột vũ trang đối với những thường dân bị ảnh hưởng.

Ngọc Minh (Theo theglobepost.com)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nghien-cuu-so-luong-xung-dot-vu-trang-nam-2023-cao-nhat-ke-tu-the-chien-thu-ii-i375197/
Zalo