Nghĩa Lộ sâu nặng nghĩa tình
Ở nơi đây, 123 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc bằng những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng.

Ông Đinh Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Lộ nhấn mạnh: “Địa phương luôn xác định việc chăm lo người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Hiện địa phương đang triển khai thực hiện tốt những chính sách, như chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt để thuận tiện và minh bạch hơn; khám - chữa bệnh miễn phí định kỳ cho thương binh nặng; cấp sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung và tại nhà cho người có công, thân nhân người có công...".
Từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp xã hội hóa, phường Nghĩa Lộ cũng đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hàng chục hộ chính sách còn khó khăn. Mỗi ngôi nhà khang trang giữa bản làng, không chỉ là chốn đi về mà còn là minh chứng của lòng biết ơn và sự đoàn kết cộng đồng.

Ông Lương Mạnh Hà - Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Lộ khẳng định: “100% hộ gia đình người có công trên địa bàn đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình. Hơn 20% số hộ đã vươn lên khá, giàu nhờ mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế hộ. Điều đáng quý là tất cả đều gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, là điểm tựa tinh thần cho con cháu”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương vẫn hằn trên thân thể, trong ký ức và cả những giấc ngủ không trọn vẹn của nhiều thương binh, bệnh binh. Tuy nhiên, ở phường Nghĩa Lộ, có những thương binh - người có công với cách mạng vẫn vượt qua khó khăn, thương tật, sáng thêm phẩm chất của người lính Cụ Hồ: “Tàn nhưng không phế”.
Ông Điêu Văn Sai ở phường Nghĩa Lộ là một trong những thương binh như thế. Gần 50 năm sau ngày phục viên, người lính năm xưa vẫn giữ nguyên dáng vẻ rắn rỏi, ánh mắt cương nghị và đôi bàn tay chai sạn vì lao động.
Sinh năm 1950, nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường miền Nam, sau ngày hòa bình lập lại, ông Sai trở về quê hương với một vết thương nặng ở vai phải.
Không đầu hàng số phận, ông tích cực tham gia công tác tại địa phương, rồi mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Dẫu đôi khi những cơn đau tái phát khiến bước chân ông khựng lại nhưng ý chí và tinh thần của người lính vẫn hướng về phía trước.
Trong khu vườn đầy màu xanh, ông Sai tâm sự: “Ngày ấy ra trận là để đất nước yên bình. Giờ sống giữa thanh bình mà nghèo đói thì cũng như thua trận. Thế nên, tôi sẽ làm việc đến khi nào còn sức”.
Cũng như ông Điêu Văn Sai, ông Lường Văn Pối - thương binh hạng 4/4 vẫn ngày ngày cần mẫn bên vườn đồi, thả cá, chăm cây, ươm giấc mơ bình dị nhưng bền bỉ. Không ai nghĩ người đàn ông với bước đi chậm rãi ấy từng là một chiến sĩ kiên cường, vào sinh ra tử ở chiến trường Lào rồi miền Nam khói lửa. Từ những cánh rừng hoang, vợ chồng ông khai hoang phục hóa, gây dựng được 9 ha rừng kinh tế, 2 ao cá, gần 100 cây ăn quả và chăn nuôi gà, bồ câu... Từng tấc đất, từng giọt mồ hôi của ông đang hồi sinh một bản làng sau chiến tranh.

Thương binh Lường Văn Pối vượt qua bệnh tật và tuổi già dạy bảo con cháu trong dòng họ học tập và lao động tốt.
Ông Pối nói: “Là người lính phải biết sống có trách nhiệm cả khi đất nước không còn tiếng súng. Tôi không muốn con cháu nghĩ rằng cha ông mình chỉ biết hy sinh mà không biết dựng xây”.
Trên bức tường treo Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến công hạng Ba... là ảnh các con, cháu của ông với thành tích học tập xuất sắc. Ông Pối bảo: “Giữ đất nước vững vàng là nhờ thế hệ mai sau tiếp bước”.
Những ngày tháng Bảy, các đoàn công tác của cấp ủy, chính quyền phường Nghĩa Lộ đã đến từng gia đình người có công với cách mạng, trao những món quà giản dị mà chan chứa nghĩa tình.

Ông Lương Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: “Tri ân không chỉ tập trung vào một ngày lễ, mà phải là việc làm thường nhật thông qua từng chính sách, hành động. Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa”.
Giữa những đổi thay từng ngày trên mảnh đất Nghĩa Lộ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng không chỉ là những nhân chứng lịch sử mà còn là gương sáng cho thế hệ hôm nay sống trọn nghĩa, vẹn tình.