Nghĩ về một đô thị học tập

Cứ ngỡ thế hệ giáo chức già khi nhìn về chuyện học hành, lớp trường, thi cử ở đô thị Hà Nội hôm nay sẽ đắm trong những hoài niệm của một thời đạo học và những kỳ sĩ tử lai kinh ứng thí. Nhưng không hẳn vậy! Hoài niệm được cất giữ trân trọng như hành trang ký ức, để cùng người Hà thành đương thời hướng về một đô thị học tập, hiện đại và hội nhập.

1. Qua cái đận bọn trẻ cấp 2 cùng bố mẹ nhấp nhổm như ngồi trên chảo lửa chờ kết quả thi tuyển vào lớp 10 THPT, những ngày này biết bao gia đình lại thắc thỏm chờ điểm thi tốt nghiệp THPT và tính chuyện chọn trường, chọn ngành bậc đại học. Cuộc đàm đạo “đến hẹn lại lên” dưới gốc cổ thụ trên đường Hoàng Diệu của đám giáo chức già chúng tôi lại chạm vào đúng điểm hẹn mùa thi giữa cái oi nồng của mùa Hè nhuận hai tháng 6.

Ông bạn già của tôi vẫn cái giọng hoài niệm đan xen trong thực tế: “So với cách tổ chức thi cử cách đây vài thập kỷ, giáo dục Thủ đô đã đi một chặng đường dài, từ viết tay trên giấy, phát hồ sơ, xếp hàng xem điểm đến nộp hồ sơ điện tử, tra cứu thông minh và hướng nghiệp cá nhân hóa. Với hơn 2 triệu học sinh các cấp, cùng hàng chục nghìn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Hà Nội luôn đứng trước áp lực lớn trong việc tổ chức các kỳ thi đầu cấp và đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Đúng là chỉ chừng mươi, mười lăm năm trước, phụ huynh còn xếp hàng dài từ tinh mơ để mua và nộp hồ sơ, thí sinh chen chúc dò điểm trên bảng thông báo trước cổng trường… Những áp lực về thời gian, công sức, thậm chí cả sai sót do thủ công luôn hiện hữu. Nay thì bức tranh ấy đã đổi khác hoàn toàn. Quy trình thi cử dần nhẹ nhàng, minh bạch và tiết kiệm chi phí, không chỉ về mặt tài chính mà cả công sức và cảm xúc của hàng trăm nghìn gia đình. Năm 2024 và 2025 là những năm bản lề trong chiến lược chuyển đổi số ngành giáo dục với hàng loạt giải pháp công nghệ được đưa vào quản lý, điều hành và tổ chức thi cử. Nền tảng trực tuyến được ứng dụng vào mọi khâu của kỳ thi, từ đăng ký dự thi, tra cứu thông tin, xét tuyển nguyện vọng cho đến trả kết quả. Giờ chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, phụ huynh có thể tra cứu toàn bộ lộ trình học tập, kết quả thi, thứ tự nguyện vọng và cả tư vấn hướng nghiệp… qua nền tảng số. Chuyện tưởng khó và “rắc rối” trước đây là điều chỉnh nguyện vọng hay phản ánh sai sót, giờ cũng được thực hiện nhanh gọn qua “online”.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Không còn những lo âu vì thất lạc hồ sơ gửi qua đường bưu điện, không còn cảnh phụ huynh xô đổ cổng trường vì chen chúc mua hồ sơ, không còn cảnh sĩ tử khăn gói lên TP ứng thí, cũng không còn cảnh nhà trọ quá tải… Đây chính là bước chuyển mình căn bản, từ giáo dục thủ công sang giáo dục thông minh - một điều kiện tất yếu trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế” - ông bạn già ra chiều tâm đắc.

2. Nhắc đến hội nhập quốc tế của giáo dục, lại bất chợt nhận ra rõ mồn một, cái đận sĩ tử “dùi mài kinh sử” trong các lò luyện hầm hập sức nóng, áp lực bài thi nhiều môn, áp lực đấu chọi chọn ngành… cũng đang dần qua khi Hà Nội liên tục điều chỉnh hình thức thi và xét tuyển đầu cấp theo hướng đánh giá năng lực, học bạ và khả năng tư duy tích hợp. Nhiều trường học tại Hà thành áp dụng hình thức xét tuyển kết hợp đánh giá kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, thay vì chỉ căn cứ vào điểm số. Điều đó không chỉ giảm áp lực thi cử mà còn thúc đẩy một thế hệ học sinh có năng lực toàn diện, tự tin, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của xã hội hiện đại.

Còn nhớ năm ngoái, cả đứa cháu lẫn cô hàng xóm có con thi vào lớp 10 đều chung nỗi niềm: “May quá vì Hà Nội đã quyết cho trẻ con thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, thay vì 4 môn như trước đây! Cả trẻ con và người lớn đều khỏi phải thắc thỏm đợi chờ thời điểm quyết định môn thi thứ 4; trẻ con cũng đỡ phải gánh thêm áp lực thi môn phụ”. Ở cấp tiểu học và THCS thì hình thức xét tuyển học bạ kết hợp với đánh giá năng lực thông qua các hoạt động trải nghiệm, hồ sơ học tập cũng đang được khuyến khích tại nhiều trường chất lượng cao. Đấy đích xác là bước chuyển từ “học để thi” sang “học để phát triển”, thực chất và phù hợp với xu thế thời đại.

Ngay cả việc định hướng chọn nghề, chọn trường cũng bớt cảm tính hoặc theo “truyền thống gia đình” như đã từng một thời, mà nay bọn trẻ tự tin chọn khối theo học để chọn ngành, trường theo ý mình muốn. Là bởi các hội thảo tư vấn tuyển sinh, chương trình hướng nghiệp trực tuyến, các nhóm hỗ trợ trên mạng xã hội và cổng thông tin chuyên biệt… đã mở ra cả thế giới thông tin cho phụ huynh và phụ huynh tiếp cận. Rõ là áp lực không chỉ giảm bớt nơi trường thi, mà còn trong từng gia đình và trên các cung đường cha mẹ đồng hành cùng con cái…

“Thì ông thuyền trưởng của con tàu giáo dục Hà Nội đã nói đấy thôi! Các kỳ thi không chỉ là kiểm tra năng lực, mà còn là dịp để cải tiến toàn diện công tác quản lý, ứng dụng công nghệ, giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi tối đã cho người học và người dạy” - ông bạn già phân bua.

3. Có lẽ đã kinh qua những tháng năm nơi trường lớp, chứng kiến đủ đầy những thăng trầm của thi cử, nên ông bạn giáo chức yêu Hà Nội bằng cả trái tim luôn hiểu từng bước đi và cách nghĩ của người trong nghề.

Ông như đinh đóng cột rằng: “Đổi mới công tác tuyển sinh ở Hà Nội không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược về một hệ sinh thái giáo dục đô thị thông minh. Trong đó, mỗi kỳ thi không còn là một “cuộc chiến” căng thẳng, mà trở thành cơ hội để đánh giá chất lượng đào tạo, năng lực thích ứng của nhà trường, cũng như mức độ hỗ trợ từ phía chính quyền và cộng đồng”. Thì đúng, kỳ thi - từng được ví như “cuộc thi sinh tử” của nhiều thế hệ, giờ đây được tiếp cận như một bước đi trong hành trình học tập suốt đời. Đó là thành quả của nhiều năm cải cách, nhưng cũng là khởi đầu cho tư duy giáo dục mới: một Hà Nội học tập, hiện đại và hội nhập.

Chợt nhớ tới nhận định của một chuyên gia giáo dục: “Chuyển đổi số, đô thị hóa và hội nhập là ba xu hướng tất yếu mà mọi đô thị lớn phải đối mặt.

Hà Nội đang đi đúng hướng khi lấy giáo dục làm trọng tâm của quá trình phát triển, bắt đầu từ những cải tiến cụ thể và thiết thực như tổ chức các kỳ tuyển sinh đầu cấp”. Bước đi đầu tiên đã mở ra, dù đây đó còn những lao xao, nhưng Hà Nội đang từng bước hình thành một nền giáo dục đô thị thông minh, hiện đại và thích ứng với xu thế hội nhập.

Một thời đạo học và những kỳ sĩ tử lai kinh ứng thí đã đi qua với bao vấn vương, bao kỷ niệm, bao trân trọng về đạo thầy trò, về quyết tâm cho sự học muôn đời… Kỷ niệm sống mãi trong hoài niệm của người Hà thành, làm nền tảng, hành trang cho những đổi mới đã và đang hiện hữu trong lòng đô thị hôm nay.

Nhật Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghi-ve-mot-do-thi-hoc-tap.774137.html
Zalo