Nghị quyết số 68-NQ/TW: Cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản bứt phá

Các chuyên gia cho rằng, với tư cách là một cấu phần quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, lĩnh vực bất động sản cũng được hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận và thiết kế chính sách. Khi kinh tế tư nhân được khơi thông nguồn lực, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và ổn định, doanh nghiệp bất động sản cũng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Tháo gỡ những điểm nghẽn lớn

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho khối kinh tế tư nhân, đồng thời cũng mang đến cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng như thị trường BĐS Việt Nam trong trung và dài hạn.

Những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường, tiếp thêm niềm tin và động lực để doanh nghiệp BĐS tư nhân phát triển, đồng thời được kỳ vọng sẽ trở thành yếu tố giúp khơi thông nguồn cung, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết 68 không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, mà còn mở ra một hành lang cơ chế thông thoáng, minh bạch và hiệu quả để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp BĐS, phát triển mạnh mẽ, đóng góp sâu rộng hơn vào tiến trình hiện đại hóa quốc gia. Những định hướng mới này có thể tạo ra cú huých chính sách mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ rào cản pháp lý và tạo niềm tin cho thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và tái cấu trúc hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, Nghị quyết 68 không chỉ khơi thông tư duy, mà còn đề ra các mục tiêu rất cụ thể và có thể đo lường được. Đơn cử, đến năm 2025 phải hoàn thành việc cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật; đồng thời phải tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ trong các năm sau đó. Đây là các mục tiêu chưa từng được đề cập trực tiếp trong các nghị quyết trước đó.

Một điểm đột phá khác mà TS. Nguyễn Văn Đính đặc biệt nhấn mạnh là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các hệ thống liên quan. Nghị quyết 68 cũng đặt mục tiêu thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, giảm thiểu tối đa thời gian và rủi ro trong các khâu giải phóng mặt bằng, cấp sổ đỏ, thuê đất, giao đất. Đây được xem là các điểm mấu chốt để giúp dự án được triển khai nhanh, giảm chi phí tài chính - hành chính - cơ hội, từ đó doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán theo hướng hợp lý hơn, nhất là với các sản phẩm nhà ở phù hợp thu nhập đại đa số người dân.

“Khi quy trình minh bạch, thị trường sẽ có cơ sở để định giá đúng. Doanh nghiệp cũng tiết kiệm được chi phí, từ đó hạ giá bán. Điều này đặc biệt quan trọng với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá hợp lý - những phân khúc đang được Nhà nước ưu tiên trong thời gian tới” - TS. Nguyễn Văn Đính nói.

Cần tiếp tục gỡ các vướng mắc pháp lý

Đánh giá về mức độ phục hồi của thị trường BĐS, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thị trường BĐS ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đang từng bước phục hồi, tuy nhiên tốc độ còn chậm. Nguồn cung nhà ở thương mại mới trong quý I/2025 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024, dù vậy vẫn chỉ bằng 50% so với quý liền trước. Dù nguồn cung có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường cũng đối diện với không ít thách thức. Trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp BĐS niêm yết giảm 1,7%, giá cổ phiếu giảm 2%, chủ yếu do chi phí hoạt động tăng mạnh (tăng 31,1%). Quý I/2025, mặc dù lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kết quả đột biến từ một số doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn giảm 58,8% so với quý trước. Giá cổ phiếu tăng 17,7% so với cuối năm 2024, cho thấy thị trường đang phục hồi, song tốc độ vẫn còn chậm và thiếu đồng đều.

Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Nhà nước cần tiếp tục gỡ các vướng mắc pháp lý, hoàn thiện thể chế về đất đai, xây dựng và BĐS, ban hành nghị quyết về nhà ở xã hội. Đặc biệt, khâu tổ chức thực hiện các luật và nghị quyết đã ban hành, đảm bảo tính dễ hiểu, khả thi, nhất quán và ổn định, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bên liên quan, kịp thời giải quyết vướng mắc, can thiệp thị trường khi cần thiết và có chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, đặc biệt chú trọng kiểm soát rủi ro dòng tiền và nợ đáo hạn là ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chương trình về nhà ở xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như các nghị quyết mới của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm, đồng thời điều chỉnh giá BĐS về mức hợp lý hơn là yếu tố then chốt để kích cầu thị trường. Chủ động chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn hóa quy trình, sản phẩm và nhân sự.

Khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu sẽ triệt tiêu đầu cơ, thổi giá

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, khi nguồn cung thị trường được phục hồi theo hướng đa dạng và hợp lý, tình trạng lệch pha cung - cầu sẽ được khắc phục. Các hiện tượng đầu cơ, tạo khan hiếm giả, thổi giá sẽ bị triệt tiêu. Từ đó, niềm tin thị trường sẽ dần được củng cố trở lại. Khi niềm tin quay lại, dòng vốn sẽ quay lại. Giao dịch sôi động, đầu tư khởi sắc, thị trường bất động sản sẽ trở lại đúng vai trò là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghi-quyet-so-68-nqtw-co-hoi-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-but-pha-176399-176399.html
Zalo