Nghề vá lưới ở Phú Vinh
Biển Phú Vinh (TP Huế) yên bình và thơ mộng, nhưng ẩn sau khung cảnh ấy là cuộc mưu sinh lặng lẽ của những người phụ nữ gắn bó cả đời với cây kim vá lưới. Không trực tiếp ra khơi, nhưng đôi tay tảo tần của họ đang góp phần gìn giữ giấc mơ biển cho cả làng.
Khi hoàng hôn buông xuống nơi đường chân trời, biển Phú Vinh khoác lên mình vẻ đẹp yên ả như một bức tranh thủy mặc. Không ồn ào, náo nhiệt như những bãi biển nổi tiếng khác, Phú Vinh mang nét mộc mạc, hoang sơ với những chiếc thuyền nan nằm nghỉ bên bờ cát trắng, tiếng sóng vỗ nhẹ như đang ru miền ký ức yên bình.
Giữa khung cảnh nên thơ đó là cuộc mưu sinh bền bỉ, lặng lẽ của những người dân chài. Đặc biệt là những người phụ nữ với đôi “bàn tay vá biển” cần mẫn ngày ngày bên tấm lưới rách, âm thầm nối lại hy vọng cho mỗi chuyến ra khơi.
Nghề vá lưới, nghe qua tưởng là công việc nhỏ bé bên lề nghề biển, nhưng lại là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi lao động của ngư dân. Khi những tấm lưới rách trở về sau một đêm lênh đênh giữa biển khơi, những người phụ nữ – phần lớn là vợ, mẹ, chị của các ngư dân lại bắt đầu công việc của mình.
Một ngày làm việc của họ thường kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối. Mức thu nhập trung bình khoảng 250.000 đồng/người cho 8 giờ miệt mài với kim, lưới. Tháng nào thời tiết thuận lợi, họ có thể làm đủ 25 công, nhưng ở vùng ven biển, mưa bão là điều khó tránh khỏi, đồng nghĩa với việc không ít ngày, thậm chí cả tháng họ không có thu nhập.

Nhiều chị em trên địa bàn nhận vá lưới thuê để kiếm thêm thu nhập.
Chị Đào Thị Kiều (32 tuổi), đã gắn bó với nghề vá lưới hơn ba năm, vừa nhanh tay luồn kim đan lại những mắt lưới rách, vừa tâm sự:“Ngồi lâu lưng đau lắm, cột sống với vai gáy cứ nhức âm ỉ. Nhưng làm quen rồi thì cũng chịu được, miễn có việc là mừng.”
Vào mùa hè, công việc chủ yếu là vá lưới bãi ngang – loại lưới phục vụ cho hoạt động đánh bắt ven bờ, đặc trưng ở vùng biển Phú Vinh. Mùa đông, khi có tàu đi lưới lạc (bắt cá lạc), công việc đa dạng hơn, nhưng phần lớn vẫn xoay quanh lưới bãi ngang.
Vá lưới không đòi hỏi sức lực nhiều như đi biển, nhưng lại cần sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Chỉ một mắt lưới sai, một mối nối không chặt cũng có thể làm hỏng cả chuyến đánh bắt. Chính vì vậy, những người phụ nữ nơi đây luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và sự kiên nhẫn đáng nể.
Một trong những người thâm niên nhất là bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh (54 tuổi), với hơn 30 năm cầm kim vá lưới. Đôi mắt đã quen với từng loại lưới, từng kiểu rách, từng thao tác luồn kim chính xác như một nghệ nhân.
“Nghề này không nặng nhọc như đi biển, nhưng phải siêng. Ngồi không quen thì đau lưng, tê vai. Một ngày vá được vài chục mét lưới là coi như khá lắm rồi”, bà Hạnh chia sẻ.
Không chỉ là kế sinh nhai, nghề vá lưới còn là một phần hồn cốt trong nếp sống của làng chài. Những nhóm phụ nữ thường tụ tập ngay hiên nhà hoặc trong các xưởng nhỏ, vừa làm vừa chuyện trò, sẻ chia đủ chuyện, từ việc học hành của con cái đến giá cả xăng dầu, mùa cá được – mất...
Tiếng kim chạm lưới đều đặn hòa cùng tiếng cười nói, tiếng kể chuyện đời,… tạo nên một không gian bình dị, đậm chất làng quê ven biển. Chính sự gắn kết cộng đồng này đã giúp họ vững vàng vượt qua những tháng ngày bấp bênh, khó khăn.
Trong guồng quay của đô thị hóa, những người trẻ dần rời bỏ cây kim, tấm lưới, nhưng những người phụ nữ còn bám trụ với nghề vẫn kiên trì, lặng lẽ. Dẫu thu nhập không cao, điều kiện lao động đơn sơ, nghề vá lưới vẫn tồn tại như một phần không thể tách rời trong đời sống của ngư dân vùng biển Phú Vinh.