Nghệ thuật biểu diễn trong kỷ nguyên số:Bài cuối: Hiện đại hóa để nâng tầm bản sắc

Dù mở ra vô vàn cơ hội, song việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi một chiến lược toàn diện, sự đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ.

Khoảng cách lớn từ hạ tầng tới nhân lực

Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đang đứng trước cánh cửa bứt phá và tái định hình hoàn toàn trải nghiệm khán giả nhờ sức mạnh của kỹ thuật hiện đại, tạo ra những không gian sáng tạo chưa từng có. Tuy nhiên, theo TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng Ban Nghiên cứu nghệ thuật - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn hạn chế, phần vì sử dụng khó, chi phí vận hành cao, phần vì cơ sở vật chất và trang thiết bị lạc hậu hoặc chưa được đầu tư đồng bộ.

Thực tế, những nhà hát xây dựng từ nhiều thập kỷ trước không được thiết kế để chứa hệ thống kỹ thuật phức tạp: trần thấp, không gian hạn chế, điện lưới không đủ tải hoặc kết cấu sân khấu không phù hợp. Một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã đầu tư dàn âm thanh, ánh sáng nhằm tạo sức hấp dẫn cho các chương trình biểu diễn, nhưng chỉ mang tính thử nghiệm, nhỏ lẻ, chưa trở thành xu thế phổ biến.

Ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi chi phí rất lớn. Ảnh: SB

Ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi chi phí rất lớn. Ảnh: SB

Đầu tư hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn là một cuộc chơi tốn kém. Các giải pháp như 3D mapping, hologram, AR/VR hay hệ thống âm thanh, ánh sáng thông minh đòi hỏi chi phí ban đầu rất lớn, từ mua sắm thiết bị đến vận hành, bảo trì và nâng cấp. Với ngân sách eo hẹp của đa số nhà hát, đoàn nghệ thuật công lập và các đơn vị tư nhân nhỏ lẻ, việc này trở thành gánh nặng. Hệ quả là chỉ những dự án lớn, được đầu tư bài bản hoặc nhận được hỗ trợ mạnh mẽ mới có thể mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao.

Sự phát triển của kỹ thuật cũng đòi hỏi đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên sâu và khả năng thực hành bài bản, nhưng đây lại là một điểm yếu của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, thiếu cơ hội tiếp cận kiến thức công nghệ. Việt Nam cũng đang thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia kỹ thuật sân khấu trình độ cao như thiết kế ánh sáng, âm thanh, video mapping hay lập trình hệ thống điều khiển tự động…

Công nghệ chỉ là công cụ, không thể thay thế nội dung và ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, việc tích hợp công nghệ đòi hỏi tư duy mới trong kịch bản và đạo diễn. Nhiều nghệ sĩ vẫn giữ tư duy sáng tạo truyền thống, chưa khai thác hết tiềm năng tiến bộ kỹ thuật để kể chuyện. Mặt khác, nguy cơ lạm dụng, biến công nghệ thành yếu tố "trang trí" rườm rà thay vì hòa quyện vào tác phẩm, cũng là mối lo ngại. Thiếu hợp tác giữa nghệ sĩ, đạo diễn và các chuyên gia công nghệ cũng cản trở việc tạo ra những sản phẩm thực sự đột phá.

Tạo cú hích mạnh mẽ

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhận định, trong phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn được coi là lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó, ứng dụng chuyển đổi số vào bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống cần được tập trung thực hiện. Hiện nay, rất cần có nghiên cứu, giải pháp từ lý luận đến thực tiễn để tạo ra chuyển dịch thực sự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Để tạo ra một cú hích mạnh mẽ, giúp nghệ thuật biểu diễn không chỉ giữ vững bản sắc, giá trị truyền thống mà còn vươn tầm quốc tế, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của công chúng và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần có những chương trình đầu tư chiến lược, nâng cấp cơ sở vật chất - trang thiết bị tại các nhà hát và trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn. Đồng thời, khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc xã hội hóa, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

Đầu tư hạ tầng và đào tạo nhân lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: BVH

Đầu tư hạ tầng và đào tạo nhân lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: BVH

Xây dựng, triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đồng bộ là yếu tố then chốt. Theo đó, cần tập trung đào tạo tích hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn, chuyên sâu cho nghệ sĩ, biên đạo, đạo diễn và kỹ thuật viên sân khấu... Ngoài ra, có chính sách đãi ngộ hấp dẫn thu hút và giữ chân các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao.

TS. Phạm Việt Hà, Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, bước vào kỷ nguyên số, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đứng trước thách thức vừa hiện đại hóa, số hóa nghệ thuật biểu diễn, vừa giữ gìn bản sắc nghệ thuật dân tộc. Bởi vậy, cần sự song hành hài hòa giữa đổi mới sáng tạo và gìn giữ văn hóa dân tộc.

Đối với các sáng tạo nghệ thuật ứng dụng kỹ thuật số, điều quan trọng là giữ gìn các yếu tố cốt lõi của truyền thống như nội dung tích truyện, ngôn ngữ, âm nhạc dân tộc, phong cách biểu diễn đặc thù của từng thể loại nghệ thuật (tuồng, chèo, cải lương, múa rối, dân ca…). Chỉ khi ấy, công nghệ 4.0, thay vì là mối đe dọa thay thế hay làm lu mờ bản sắc vốn có, sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ giúp truyền tải và làm nổi bật giá trị truyền thống.

Các chủ thể sáng tạo nghệ thuật cũng cần chủ động nắm bắt, tích cực học hỏi, khai thác công cụ kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ đắc lực cho những ý tưởng bay bổng. Khi làm chủ sáng tạo của mình, nghệ sĩ sẽ biết cách làm cho nghệ thuật tỏa sáng rực rỡ trên nền tảng của công nghệ số.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghe-thuat-bieu-dien-trong-ky-nguyen-so-bai-cuoi-hien-dai-hoa-de-nang-tam-ban-sac-10380180.html
Zalo